Giỏ hàng

Hướng Dẫn Cách Tiêm Insulin Tại Nhà Đầy Đủ Và Chi Tiết Nhất

Tiêm insulin tại nhà là công việc cần làm hàng ngày của các bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường tuýp giai đoạn nặng không còn đáp ứng với các thuốc hạ đường huyết khác. Cùng tìm hiểu các cách tiêm insulin tại nhà và những lưu ý nhằm tránh tác dụng phụ không mong muốn trong bài viết này nhé.

Tiêm insulin là biện pháp kiểm soát tiểu đường hiệu quả

1. Tại sao cần tiêm insulin tại nhà?

Hormone insulin là loại hormon duy nhất trong cơ thể có khả năng làm giảm nồng độ đường trong máu. Ở bệnh đái tháo đường, quá trình sản xuất hoặc hiệu suất hoạt động của insulin bị suy giảm, dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao.

Vì thế insulin thường được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường thông qua liệu pháp insulin. Tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin, cụ thể như sau:

  • Tiêm insulin là liệu pháp bắt buộc với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 và tiểu đường thai kỳ. Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1, họ bắt buộc phải tiêm insulin suốt đời. Phụ nữ mang thai bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 bắt buộc phải tiêm insulin để kiểm soát nồng độ đường glucose máu trong suốt thai kỳ.

  • Tiêm insulin cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 khi bệnh nhân mang thai, người bệnh bị nhiễm trùng, tăng ceton máu, xuất hiện các biến chứng tiểu đường cấp… không thể kiểm soát đường huyết bằng các thuốc điều trị đường uống.

Thuốc tiêm insulin thường có tác dụng nhanh chóng từ 5-30 phút sau tiêm. Tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị insulin bao gồm số lần tiêm insulin trong ngày, liều lượng tiêm, loại insulin nên tiêm…

Xem thêm: CÂY THÌA CANH – “THẦN DƯỢC” DÂN GIAN CHỮA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG BẠN CẦN BIẾT

Vai trò của insulin trong quá trình điều hòa đường máu

2. Các vị trí tiêm insulin trên cơ thể

Để xác định được vị trí tiêm insulin cần dựa vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm: tình trạng mô mỡ, tốc độ hấp thu insulin của tiểm tiêm, vị trí có dễ tiêm không…

Theo đó, các vị trí tiêm insulin phổ biến nhất bao gồm: bụng, má ngoài của đùi, mặt sau cánh tay và mông. Vì đây là những vùng có lớp mô mỡ nằm ngay dưới da, giúp hấp thu insulin, đồng thời đây cũng là những khu vực ít dây thần kinh nên sẽ giúp giảm cảm giác đau cho người bệnh khi tiêm.

Tiêm insulin ở các vị trí khác nhau sẽ có mức độ hấp thu khác nhau, lần lượt như sau:

  • Bụng: Bụng là vị trí tiêm insulin được nhiều bệnh nhân và bác sĩ lựa chọn, vì đây là nơi insulin có thể đi vào máu nhanh nhất, đồng thời cũng là vị trí dễ tiếp cận và ít gây khó chịu.

  • Cánh tay: Ở vị trí này, tốc độ hấp thu insulin ở mức độ vừa phải, không nhanh như khi tiêm ở bụng. Vị trí tiêm insulin ở cánh tay phải là mặt sau cánh tay, khoảng giữa vai và khuỷu tay. Ở vị trí này, nếu tự tiêm insulin tại nhà thì người bệnh cần có người giúp đỡ.

  • Đùi: Đây là vị trí có tốc độ hấp thu insulin chậm nhất, nhưng lại thuận lợi cho người bệnh tự tiêm. Vị trí tiêm insulin ở đùi phải là phía trước của đùi, đoạn giữa đầu gối và khớp háng, hơi lệch về phía ngoài chân.

  • Mông: Vị trí tiêm insulin tại nhà ít phổ biến nhất vì tốc độ hấp thu thuốc khá chậm, đồng thời người bệnh không thể tự tiêm mà cần sự hỗ trợ của người khác.

Lưu ý: Vị trí tiêm insulin trên cơ thể mỗi người là khác nhau, ví dụ trẻ em hoặc những người gầy thì không nên tiêm insulin ở bụng. Đồng thời người bệnh cũng không nên tiêm insulin tại một vị trí mà nên luân phiên thay đổi để vùng da tại vị trí tiêm có thời gian phục hồi.

Xem thêm: CÓ PHẢI ĂN BÁNH CHO NGƯỜI TIỂU ĐƯỜNG THÌ ĐƯỜNG HUYẾT SẼ KHÔNG TĂNG?

Các vị trí tiêm insulin trên cơ thể

3. Nguyên tắc khi tiêm insulin tại nhà

Dù tiêm tại vị trí nào, người bệnh cũng cần đảm bảo một số nguyên tắc sau nhằm tránh các biến chứng có thể xuất hiện, cụ thể như sau:

  • Sử dụng cồn 70 độ để làm sạch vị trí tiêm.

  • Tiêm insulin vào lớp mỡ ngay dưới da.

  • Tùy vào từng loại insulin mà thời gian tiêm sẽ khác nhau. Ví dụ Insulin Mixtard (nhanh/trung bình), Insulin Novomix (rất nhanh/dài) cần tiêm ngay trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn 5 phút.

  • Không nên tiêm lặp lại cùng một vị trí trong vùng tiêm, đặc biệt với những trường hợp cần tiêm insulin nhiều lần trong ngày phải tiêm ở các vị trí khác nhau trong các vùng tiêm khác nhau.

4. Hướng dẫn cách tiêm insulin tại nhà đơn giản, chính xác

Có nhiều cách để tiêm insulin, bao gồm sử dụng ống tiêm, bút tiêm insulin, máy bơm insulin. Ở Việt Nam hiện nay, phương pháp tiêm insulin phổ biến nhất là dùng ống tiêm và bút tiêm. Người bệnh sẽ được bác sĩ tư vấn để lựa chọn kỹ thuật tiêm insulin phù hợp và hiệu quả nhất.

 4.1. Sử dụng bơm tiêm thường

Cách đưa insulin vào cơ thể bằng bơm tiêm là cách được nhiều người bệnh áp dụng. Trước khi tiêm insulin với bơm tiêm thường, bạn cần rửa sạch tay và lăn lọ thuốc giữa 2 lòng bàn tay để làm ấm và đồng nhất thuốc. Sau đó dùng bông đã tẩm cồn để khử trùng màng cao su của lọ thuốc, rồi dùng bơm tiêm để hút lấy thuốc trong lọ.

Kỹ thuật tiêm insulin bằng bơm tiêm thường:

  • Dùng bông tẩm cồn 70 độ để sát trùng vào vị trí cần tiêm.

  • Cố định vị trí cần tiêm bằng ngón tay trỏ và ngón tay cái.

  • Đâm kim một góc 45 độ so với bề mặt da, sao cho mũi kim tiêm đi vào lớp mô dưới da

  • Bơm thuốc từ từ trong khoảng từ 5-10 giây, sau khi tiêm hết thuốc thì giữ nguyên khoảng 6 giây, rồi rút kim ra.

Lưu ý: Không tái sử dụng bơm tiêm và tránh đâm kim quá sâu vào phần bắp thịt.

Tiêm insulin cần nghiêm mũi kim 45 độ so với bề mặt da

4.2. Sử dụng bút tiêm tiểu đường

Bút tiêm tiểu đường là dụng cụ giúp việc tiêm insulin tại nhà diễn ra đơn giản hơn, với liều lượng chính xác hơn. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại bút tiêm tiểu đường khác nhau, mỗi loại sẽ có cấu tạo chi tiết khác nhau. 

Vì thế, cách sử dụng bút tiêm tiểu đường sẽ không hoàn toàn giống nhau, nhưng về cơ bản vẫn bao gồm các bước sau:

  • Chuẩn bị: Làm ấm thuốc bằng cách lăn tròn bút giữa hai lòng bàn tay, lắc bút liên tục cho đến khi có được chất lỏng đồng nhất màu trắng đục.

  • Gắn kim: Dùng gạc vô trùng để khử trùng màng cao su, sau đó tháo đầu bảo vệ kim, vặn kim thẳng và gắn chặt vào bút tiêm. Giữ lại nắp bên ngoài để dùng trong những lần tiếp theo, nắp nhỏ bên trong kim sau khi tháo ra thì bỏ đi.

  • Điều chỉnh liều bằng cách xoáy nút chọn liều tiêm đúng với số đơn vị cần tiêm.

  • Cố định vùng da cần tiêm bằng cách dùng 2 ngón tay cái và thay trỏ kẹp vào vùng da cần tiêm. Tay còn lại cầm bút tiêm và đâm kim xuống vuông góc với bề mặt da.

  • Ấn bút tiêm xuống hết cỡ cho đến khi thang chia liều trở về số 0, giữ nguyên trong 6 giây, sau đó rút bút tiêm ra khỏi cơ thể.

Dù sử dụng bút tiêm tiểu đường hay bơm tiêm thông thường, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về cách tiêm insulin tại nhà như thế nào cho an toàn và hiệu quả, đồng thời nên đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất.

Các bước chuẩn bị khi tiêm insulin bằng bút tiêm tiểu đường

5. Những điều cần biết trước khi tiêm insulin

Khi tiêm insulin vào cơ thể, người bệnh cần được hướng dẫn và tìm hiểu một số thông tin cơ bản bao gồm:

5.1. Ký hiệu và nồng độ insulin

Đây là những kiến thức cơ bản mà bệnh nhân tiểu đường nên tìm hiểu để tránh tiêm insulin đúng liều, tránh gây ra những phản ứng bất lợi sau khi tiêm:

  • Một lọ thuốc tiêm insulin có 10ml, với các nồng độ khác nhau. Hiện trên thị trường có 2 nồng độ chính 40 IU/ml (nghĩa là một lọ 10ml có 400 đơn vị) và 100UI/ml (lọ 10ml có 1000 đơn vị).

  • Chú ý sử dụng ống thuốc tiêm insulin đúng nồng độ, insulin loại U40 phải dùng ống tiêm 1ml = 40 IU và ngược lại.

  • WHO khuyến cáo nên chuẩn hóa hàm lượng 100IU để tránh người bệnh dùng nhầm ống hoặc kim tiêm dẫn đến tác dụng phụ không mong muốn.

  • Liều insulin khi tiêm không tính theo ml mà tính theo đơn vị IU.

5.2. Cách bảo quản thuốc tiêm tiểu đường

Bảo quản thuốc tiêm tiểu đường trước và sau khi sử dụng là việc làm cần thiết nhằm đảm bảo thuốc vẫn giữ nguyên được tác dụng.

  • Thuốc tiêm và bút tiêm tiểu đường nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh cho tới khi hết hạn sử dụng.

  • Nếu không có tủ lạnh, người bệnh cần bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30 độ C, insulin có thể bảo quản trong 1 tháng mà không làm giảm tác dụng đối với loại thuốc được sản xuất bằng phương pháp tái tổ hợp DNA.

  • Nếu để thuốc tiêm insulin ở nhiệt độ trên 30 độ C sẽ làm giảm tác dụng. Luôn bảo quản thuốc trong môi trường thoáng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

  • Nếu bảo quản insulin bằng đá lạnh, cần chú ý không được để thuốc bị đông lạnh, điều này sẽ làm hỏng insulin.

Bút tiêm và thuốc tiêm insulin tốt nhất nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh

6. Theo dõi phản ứng sau khi tiêm insulin

Mặc dù tiêm insulin là phương pháp kiểm soát đường huyết hiệu quả, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng không mong muốn, có thể đe dọa đến sức khỏe người bệnh. 

Vì thế, sau khi tiêm insulin người bệnh cần chú ý theo dõi các phản ứng của cơ thể nhằm phòng tránh các tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện. cụ thể như sau:

  • Hạ đường huyết: Là biến chứng phổ biến nhất khi bệnh nhân tiểu đường tiêm insulin. Nếu gặp phải tình trạng này, người bệnh cần bổ sung ngay các loại carbohydrate tác dụng nhanh như một vài viên kẹo, nước ép trái cây…

  • Dị ứng insulin: Phản ứng dị ứng insulin thường xuất hiện sau khoảng 1-2 tháng điều trị tiểu đường bằng insulin hoặc sau khi thay đổi loại insulin. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi tiêm, người bệnh cần trao đổi ngay với bác sĩ điều trị.

  • Tăng cân: Hiện tượng này thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng insulin liều cao. Để khắc phục tình trạng này, bạn cần thay đổi chế độ ăn uống, tăng cường chất xơ, hạn chế chất đường bột, chất béo và tập luyện thường xuyên hơn.

  • Loạn dưỡng tại vị trí tiêm: Người bệnh có thể gặp tình trạng phì đại hoặc teo tại vị trí tiêm, do tiêm thuốc vào cùng một vị trí quá nhiều lần. Vì thế, bạn cần thay đổi luân phiên các vị trí tiêm.

  • Nhiễm trùng nơi tiêm: Do ngay từ đầu, người bệnh không thực hiện đầy đủ các bước vệ sinh tại vị trí tiêm hoặc tái sử dụng bơm tiêm dùng 1 lần quá nhiều lần… Có thể dự phòng bằng cách đảm bảo quy trình, kỹ thuật tiêm và tiệt trùng các dụng cụ, loại bỏ kim tiêm dùng một lần…

Sau khi tiêm insulin bạn cần theo dõi các phản ứng sau tiêm để phòng tránh biến chứng

7. Một số lưu ý khi tiêm insulin tại nhà

Trong quá trình điều trị tiểu đường bằng liệu pháp insulin, người bệnh cần lưu ý một số điểm sau nhằm tránh các tác dụng phụ không mong muốn:

  • Kiểm tra đường huyết thường xuyên: Đây là việc làm cần thiết nhằm phòng tránh nguy cơ hạ đường huyết sau tiêm, đồng thời giúp theo dõi hiệu quả kiểm soát đường huyết, từ đó sẽ giúp người bệnh kiểm soát tốt tình trạng này.

  • Xử trí khi bị hạ đường huyết sau tiêm insulin: Nếu người bệnh còn tỉnh táo thì nên cho bệnh nhân uống một cốc nước đường hoặc ngậm ngay một vài viên kẹo. Nếu đường huyết hạ đột ngột quá nặng cần đưa người bệnh đến bệnh viện càng nhanh càng tốt.

  • Không tiêm insulin ngay khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh: Nếu tiêm insulin ngay khi vừa lấy ra khỏi tủ lạnh sẽ khiến cho bệnh nhân bị đau và dễ kích ứng da. Do đó trước khi tiêm, bạn cần lăn nhẹ lọ thuốc hoặc bút tiếp trong lòng bàn tay để nâng nhiệt độ về nhiệt độ phòng.

  • Nếu tiêm insulin ở bụng thì nên tiêm quanh rốn: Lấy rốn làm trung tâm, bạn có thể tiêm insulin ở các vị trí cách rốn khoảng 5cm, chia đều số lần tiêm sao cho các vị trí nằm trên một đường tròn quanh rốn.

  • Tuyệt đối không tự ý thay đổi liều dùng thuốc sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

  • Không nên tiêm quá sâu: Khi tiêm insulin quá sâu, thuốc sẽ dễ tác động vào lớp cơ khiến bệnh nhân dễ bị đau và việc hấp thu insulin trở lên quá nhanh và tác dụng không kéo dài.

Trên đây là một số thông tin về cách tiêm insulin và các lưu ý khi bệnh nhân tiểu đường cần tiêm insulin tại nhà. Hy vọng bài viết này đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích về một biện pháp chữa tiểu đường khá quan trọng.

Để cải thiện tình trạng bệnh tiểu đường và phòng ngừa các biến chứng cấp tính nguy hiểm này bạn có thể tham khảo sử dụng thêm sản phẩm hỗ trợ có nguồn gốc từ thảo dược thiên nhiên giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn:

HEBAMIC - Viên Tiểu Đường

 

Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui

Website TMDT: www.bidipharshop.com

Shopee: https://shopee.vn/bidiphar

Email: bidipharshop@bidiphar.com

Hotline: 1800.888.677

 

Sản phẩm đã xem

Zalo