Giỏ hàng

9 Thuốc Trị Tiểu Đường Giúp Kiểm Soát Đường Huyết Hiệu Quả Nhất

Khi mắc bệnh tiểu đường, việc sử dụng các thuốc hạ đường huyết là giải pháp giúp ổn định đường huyết. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng hiểu rõ vai trò cũng như cách sử dụng và phối hợp thuốc an toàn và hiệu quả. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về 9 thuốc trị tiểu đường giúp bạn kiểm soát đường huyết tốt nhất.

Nguyên tắc điều trị tiểu đường

Bệnh tiểu đường là bệnh lý mạn tính liên quan tới rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể. Người bị bệnh tiểu đường có đường huyết vượt ngưỡng 7mmol/L. 

Nguyên nhân gây ra hiện tượng này là do thiếu hụt hormon insulin hoặc giảm đáp ứng của cơ thể với insulin hay kháng insulin. Căn cứ vào nguyên nhân trên, nguyên tắc điều trị bệnh tiểu đường cần kết hợp thuốc hạ đường huyết và chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý. Trong đó, việc dùng thuốc tiểu đường đóng vai trò vô cùng quan trọng. Thuốc trị tiểu đường giúp kiểm soát đường huyết qua các cơ chế khác nhau:

  • Kích thích tuyến tụy sản xuất insulin.

  • Tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin (giảm kháng insulin).

  • Giảm lượng glucose được tổng hợp tại gan.

  • Làm giảm hấp thu carbohydrate (tinh bột và đường) tại ruột.

Dựa vào tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra các phác đồ sử dụng thuốc trị tiểu đường an toàn và hiệu quả nhất. Bệnh nhân không được tự ý sử dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ.

Các thuốc trị tiểu đường hiệu quả - an toàn nhất hiện nay

Theo hướng dẫn điều trị đái tháo đường của Bộ Y tế, có tất cả 9 nhóm thuốc được sử dụng để kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào từng loại tiểu đường khác nhau. 

Bệnh đái tháo đường tuýp 1

Đái tháo đường tuýp 1 là do thiếu hụt hoàn toàn insulin. Nguyên nhân là vì các tế bào beta đảo tụy bị phá hủy, không còn khả năng tiết insulin. Vì vậy, bệnh nhân bắt buộc phải sử dụng thuốc tiêm insulin để kiểm soát đường huyết. 

Cơ chế tác dụng: insulin được đưa từ bên ngoài vào sẽ chuyển glucose trong máu vào tế bào để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Sau khi tiêm insulin, đường huyết trong máu của bệnh nhân sẽ giảm xuống.

Thuốc tiêm insulin được phân thành 4 loại: 

  • Insulin tác dụng nhanh:insulin glulisine, insulin lispro và insulin aspart. Thuốc có tác dụng khoảng 15 phút sau khi tiêm, kéo dài tác dụng trong 2 - 4 giờ. Bạn nên tiêm thuốc vào trước bữa ăn và trước khi tiêm insulin tác dụng kéo dài để hạn chế tăng đường huyết sau ăn.

  • Insulin tác dụng ngắn: chỉ có tác dụng trong 3 - 6 giờ. Cách dùng: tiêm trước bữa ăn và trước khi tiêm insulin tác dụng kéo dài. 

  • Insulin tác dụng trung bình: tác dụng kéo dài trong 10 - 20 giờ. Cách dùng: chỉ nên dùng 2 lần/ngày kết hợp insulin tác dụng nhanh hoặc tác dụng ngắn. Đại diện: Neutral Protamine Hagedorn hoặc Isophane Insulin

  • Insulin tác dụng kéo dài: thường kết hợp với insulin tác dụng nhanh hoặc insulin tác dụng ngắn. Do thuốc có tác dụng sau nhiều giờ kể từ khi tiêm. Đại diện: Insulin detemir, insulin glargine. 

Cách dùng và lưu ý:

  • Tiêm dưới da tại vị trí: bụng, phần trên cánh tay, đùi. Ngoài ra, insulin có thể truyền tĩnh mạch trong trường hợp cấp cứu hôn mê.

  • Không có giới hạn liều, khả năng hấp thu insulin phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân. 

  • Bệnh nhân cần theo dõi chỉ số đường huyết để báo với bác sĩ có thể giảm hoặc tăng liều insulin.

Tác dụng không mong muốn: 

  • Hạ glucose máu hoặc hiện tượng tăng glucose huyết do phản ứng khi dùng quá liều.

  • Loạn dưỡng mô mỡ: teo mô mỡ hoặc phì đại mô mỡ

  • Tăng cân.

  • Dị ứng với insulin.

Ngoài đái tháo đường tuýp 1, thuốc tiêm insulin còn được chỉ định trong đái tháo đường thai kỳ và đái tháo đường tuýp 2 (khi thuốc uống hiệu quả kém).

Bệnh đái tháo đường tuýp 2

1. Sulfonylurea

Đại diện: Glyburide/glibenclamide, Gliclazide, Glimepiride, Glipizide.

Cơ chế tác dụng:

Thuốc trị tiểu đường sulfonylurea có cấu trúc chung là acid sulfonic acid ure. Đây là thuốc kích thích tế bào beta tiết insulin. Khi đi vào cơ thể, thuốc gắn vào kênh KATP nằm trên màng khiến kênh đóng lại, làm phân cực màng. Lúc này, kênh calci sẽ mở ra đưa calci vào trong tế bào kích thích giải phóng insulin. Ngoài hạ glucose máu, thuốc còn giảm HbA1c từ 1 - 1,5%. 

Cách dùng và liều dùng: 

  • Thường dùng 1 lần vào buổi sáng.Thuốc thường được dùng trước bữa ăn 30 phút. 

  • Liều dùng tùy thuộc từng loại thuốc. Tuy nhiên, người bệnh nên bắt đầu từ liều thấp, ví dụ Gliclazide từ 40 – 320mg/ngày.

Lưu ý khi dùng:

  • Chú ý bệnh nhân cao tuổi vì có nguy cơ hạ đường huyết do bệnh nhân ăn kém, dễ bỏ bữa và chức năng thận suy giảm.

  • Bệnh nhân suy thận, cần giảm liệu hoặc ngừng sử dụng thuốc do thuốc đào thải qua thận.

  • Bệnh nhân suy tế bào gan cần ngừng thuốc.

Đối tượng sử dụng: bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 có thể trạng trung bình hoặc gầy.

Tác dụng không mong muốn: hạ đường huyết và tăng cân.

Ưu điểm: 

  • Giảm biến chứng mạch máu nhỏ.

  • Giảm biến chứng tim mạch và tử vong.

Nhược điểm:

  • Gây hạ glucose huyết và tăng cân.

  • Không dùng cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1, phụ nữ có thai, người có biểu hiện nhiễm toan ceton, bệnh lý nhiễm trùng.

2. Nhóm Biguanid

Đại diện: Metformin là thuốc duy nhất còn được sử dụng.

Cơ chế tác dụng: thuốc làm giảm sản xuất glucose ở gan. Ngoài ra, thuốc có tác dụng yếu trên tăng hiệu ứng incretin. Metformin làm giảm HbA1c 1 - 1,5%.

Cách dùng và liều dùng:

  • Dùng trước hoặc sau ăn.

  • Bạn nên khởi đầu từ liều thấp, sau đó tăng liều từ từ sau 5 - 7 ngày.

  • Liều dùng: 500 - 2000mg/ngày.

Lưu ý khi dùng:

  • Thận trọng với bệnh nhân trên 80 tuổi, suy thận, nghiện rượu nặng (do có nguy cơ nhiễm acid lactic).

  • Ngừng dùng thuốc 24 giờ nếu bệnh nhân dùng thuốc cản quang.

Đối tượng sử dụng: Metformin là thuốc khởi đầu điều trị tiểu đường tuýp 2

Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy. 

Ưu điểm: 

  • Sử dụng lâu dài.

  • Không gây hạ glucose máu khi dùng đơn độc.

  • Không làm tăng cân, có thể giảm cân nhẹ.

  • Giảm lipid máu: giảm LDL - cholesterol, giảm Triglyceride.

Nhược điểm: 

  • Chống chỉ định với bệnh suy tim nặng, suy gan thận.

  • Gây rối loạn tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy.

  • Có thể giảm hấp thu vitamin B12 nhưng ít gây thiếu máu.

3. Glinides 

Đại diện: Repaglinide hàm lượng 0,5-1-2mg

Cơ chế tác dụng: tương tự như Sulfonylurea (kích thích tế bào beta tiết insulin). Thuốc cũng làm giảm HbA1c 1 - 1,5%. Thuốc hấp thu nhanh tại ruột và được chuyển hóa ở gan.

Cách dùng và liều dùng: 

  • Cách dùng: uống trước các bữa ăn 15 phút.

  • Liều dùng: 0,5 - 1mg. Liều tốt đa: 16mg.

Lưu ý khi dùng: do thời gian bán thải ngắn (dưới 1 giờ) nên thuốc có thẻ dùng ở người già và người suy thận. 

Đối tượng sử dụng: bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, tăng đường huyết sau ăn

Tác dụng không mong muốn: hạ glucose máu và tăng cân nhưng thấp hơn nhóm Sulfonylurea

Ưu điểm: Giảm đường huyết sau ăn.

Nhược điểm: 

  • Gây hạ đường huyết quá mức và tăng trọng lượng cơ thể. 

  • Phải dùng nhiều lần do thuốc đào thải nhanh. 

4. Thiazolidinedione (TZD hay glitazone)

Đại diện: Pioglitazone. 

Cơ chế tác dụng: Thuốc hoạt hóa thụ thể PPAR dẫn tới làm tăng tính nhạy cảm với insulin ở tế bào cơ, mỡ và gan. Thuốc làm giảm sản xuất glucose ở gan và tăng vận chuyển glucose vào tế bào. Ngoài ra, thiazolidinedione còn làm giảm HbA1c từ 0,5 - 1,4%. 

Cách dùng và liều dùng:

  • Dùng 1 lần/ngày, không phụ thuộc vào bữa ăn. 

  • Liều khuyến cáo: 15 - 45mg/ngày

Lưu ý khi dùng: 

  • Theo dõi chức năng gan trước khi dùng thuốc và định kỳ.

  • Chống chỉ định với suy tim độ III - IV, bệnh gan, chỉ số ALT tăng gắp 2,5 lần bình thường. 

Đối tượng sử dụng: đái tháo đường tuýp 2, thường kết hợp với metformin, sulfonylurea. 

Tác dụng không mong muốn: 

  • Phù, tăng cân (3 - 4%). 

  • Nếu kết hợp với insulin có thể tăng cân 10 - 15%, tăng nguy cơ suy tim.

  • Tăng nguy cơ gãy xương ở phụ nữ, thiếu máu.

  • Tăng nguy cơ ung thư bàng quang. 

Ưu điểm:

  • Dùng đơn độc không gây hạ đường huyết.

  • Giảm triglycerides 9%,  tăng HDL cholesterol 15%.

  • Giảm liều insulin khi kết hợp cùng nhau.

Nhược điểm: có nhiều tác dụng phụ, đặc biệt là gây rối loạn chức năng gan và nguy cơ gãy xương, phù, ung thư bàng quang. 

5. Ức chế enzyme glucosidase

Đại diện:  Acarbose, hàm lượng 50 mg.

Cơ chế tác dụng: Thuốc cạnh tranh và ức chế tác dụng của enzyme phân cắt đường đôi thành đường đơn - alpha glucosidase. Từ đó, thuốc làm chậm quá trình hấp thu carbohydrate ở ruột, giảm đường huyết. Nhóm thuốc này cũng giảm HbA1c 0, - 0,8%. 

Cách dùng và liều dùng:

  • Cách dùng: uống ngay trước ăn hoặc ngay sau miếng ăn đầu tiên.

  •  Liều dùng: liều đầu 25mg uống 3 lần/ngày.

Lưu ý khi dùng: Bữa ăn phải có carbohydrate (tinh bột và đường) thì uống thuốc mới có tác dụng.

Đối tượng sử dụng: đái tháo đường tuýp 2, tăng đường huyết sau ăn. 

Tác dụng không mong muốn: đầy bụng, đi ngoài phân lỏng do carbohydrate không được hấp thu.

Ưu điểm: 

  • Không gây hạ đường huyết khi dùng đơn độc.

  • Giảm đường huyết sau ăn.

Nhược điểm: gây rối loạn tiêu hóa. 

6. Ức chế enzyme DPP-4 

Đại diện: Sitagliptin, Saxagliptin, Vildagliptin, Linagliptin.

Cơ chế tác dụng: DPP - 4 là enzym phân hủy GLP - 1 (hormone kích thích tiết insulin khi glucose máu tăng). Do đó thuốc ức chế DPP - 4 sẽ làm tăng GLP - 1, từ đó, làm hạ glucose máu. 

Cách dùng và liều dùng: uống 1 lần/ ngày. Liều dùng phụ thuộc vào từng loại thuốc. Ví dụ Linagliptin viên 5mg uống 1 lần trong ngày uống vào bữa ăn.

Lưu ý khi dùng: theo dõi chức năng gan do thuốc đào thải chính theo con đường gan mật.

Đối tượng sử dụng: bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2

Tác dụng không mong muốn: viêm đường hô hấp trên(viêm hầu họng), mẩn ngứa, dị ứng. 

Ưu điểm:

  • Không gây hạ glucose máu.

  • Không làm thay đổi cân nặng. 

  • Thuốc dung nạp tốt.

Nhược điểm: dễ gây dị ứng, nhiễm trùng đường hô hấp. Thuốc thường phải dùng phối hợp với metformin, sulfonylurea. Chưa kiểm chứng được tính an toàn khi dùng lâu dài. 

7. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1

Đại diện:  Liraglutide.

Cơ chế tác dụng: Thuốc tương tác đặc hiệu với thụ thể GLP - 1 trên tế bào beta đảo tụy, kích thích tiết insulin và làm giảm tiết glucagon.

Cách dùng và liều dùng: 

  • Tiêm dưới da 1 lần/ngày.

  • Liều 0,6mg/ngày trong 1 tuần, sau đó có thể tăng lên 1,2 mg/ngày tùy vào đáp ứng. Liều tối đa 1,8mg/ngày.

Đối tượng sử dụng: đái tháo đường tuýp 2.

Tác dụng không mong muốn: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, có thể gặp viêm tụy cấp.

Ưu điểm:

  • Dùng đơn độc không gây hạ đường huyết.

  • Giảm cân, hạ huyết áp.

  • Giảm HbA1c, đường huyết lúc đói và đường huyết sau ăn.

  • Giảm biến cố tim mạch, giảm liều insulin.

  • Không cần hiệu chỉnh liều trên bệnh nhân cao tuổi, suy gan thận nhẹ hoặc trung bình. 

Nhược điểm: không dùng với người có tiền sử ung thư giáp hoặc mắc bệnh đa u tuyến nội tiết loại 2.

8. Nhóm ức chế kênh đồng vận chuyển Natri glucose SGLT2 

Đại diện:Canagliflozin, dapagliflozin và empagliflozin.

Cơ chế tác dụng: Tăng thải glucose qua nước tiểu do ức chế tác dụng của kênh đồng vận chuyển SGLT2 ở ống lượn gần tại thận.

Cách dùng và liều dùng: uống ngày 1 lần. 

Ưu điểm:

  • Dùng đơn độc không gây hạ đường huyết.

  • Giảm cân, giảm huyết áp.

  • Giảm biến cố tim mạch, giảm tỷ lệ tử vong do suy tim.

Nhược điểm: dễ nhiễm nấm, vi khuẩn đường niệu. Do nồng độ glucose trong nước tiểu tăng là môi trường thuận lợi cho chúng phát triển. 

Nguyên tắc phối hợp thuốc trị tiểu đường

Khi bệnh tiến triển, việc dùng đơn độc các thuốc trị tiểu đường sẽ giảm hiệu quả mặc dù đã tăng tới mức liều tối đa. Vì vậy, bệnh nhân cần phối hợp các thuốc trị tiểu đường càng sớm càng tốt. Lợi ích của việc kết hợp: 

  • Tăng hiệu quả điều trị

  • Giảm liều thuốc đơn độc.

  • Hạn chế các tác dụng không mong muốn. 

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nguyên tắc phối hợp thuốc trị tiểu đường là chỉ phối hợp thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau. Ví dụ, Không phối hợp gliclazide với glimepiride do cùng nhóm Sulfonylurea. Bệnh nhân nên kết hợp 2 hay nhiều thuốc có cơ chế bổ sung để tạo tác dụng hiệp đồng.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều loại thuốc sẽ tăng số lần dùng thuốc. Vì vậy, người bệnh có thể dùng viên thuốc phối hợp như: Glyburide/ Metformin, Dapagliflozin/ Metformin dạng phóng thích chậm (XR). Nhược điểm của cách này là khó chỉnh liều từng thuốc. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên và báo cho bác sĩ khi thấy có dấu hiệu bất thường.

Lưu ý khi dùng thuốc trị tiểu đường

Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của thuốc trị tiểu đường. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc này bạn cần chú ý:

  • Uống thuốc đúng giờ, đúng liều theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Theo dõi chỉ số đường huyết tại nhà hoặc kiểm tra định kỳ để kịp thời thay đổi liều lượng cho phù hợp.

  • Kết hợp thuốc trị tiểu đường với chế độ ăn uống hợp lý: ăn nhiều rau xanh, trái cây ít ngọt, hạn chế tinh bột, đường, đồ ăn nhanh. Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, dùng chất kích thích.

  • Tập luyện thể dục để giảm cân với người béo phì. Bạn nên chọn các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga, đạp xe hoặc áp dụng tập cơ để tăng cường sức khỏe. Duy trì đều đặn 5 - 7 ngày/tuần, mỗi lần từ 30 phút - 1 giờ. 

Sử dụng sản phẩm hỗ trợ kiểm soát đường huyết - Viên tiểu đường Hebamic

Bên cạnh dùng thuốc trị tiểu đường, nhiều bệnh nhân lựa chọn các sản phẩm hỗ trợ để kiểm soát đường huyết. Trong đó, viên tiểu đường Hebamic đang nhận được sự tin tưởng của nhiều bệnh nhân tiểu đường nhờ ưu điểm vượt trội:

  • Chuẩn dược liệu: dây thìa canh Hebamic được trồng và thu hái tại vùng trồng đạt tiêu chuẩn GACP - WHO, đảm bảo không tạp nhiễm, không chất hóa học và thuốc trừ sâu.

  • Chuẩn hàm lượng: mỗi viên Hebamic chứa 400mg cao khô lá và cành thìa canh, đúng hàm lượng theo các nghiên cứu lâm sàng trên thế giới. Đồng thời, Hebamic có hàm lượng cao gấp 3 lần so với các sản phẩm trên thị trường.

  • Chuẩn hoạt chất: acid gymnamic chiếm 25%, ổn định chất lượng trên từng lô hàng, không phụ thuộc vào chất lượng dược liệu. 

Cách sử dụng: 2 viên/ngày để kiểm soát đường huyết. 

Kết luận

Trên đây là những thông tin hữu ích về các nhóm thuốc trị tiểu đường an toàn và hiệu quả nhất hiện nay. Người bệnh tiểu đường lâu năm cần phối hợp các thuốc với nhau để tăng hiệu quả điều trị đồng thời giảm liều dùng và tác dụng phụ của từng thuốc. Bạn phải tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để tránh gặp biến chứng tiểu đường. Nếu bạn có câu hỏi liên quan tới thuốc trị tiểu đường, hãy gọi tới số Hotline: 1800 888 677 để gặp chuyên gia của Bidiphar.

Xem thêm: 

6 THUỐC TIỂU ĐƯỜNG TỐT NHẤT GIÚP KIỂM SOÁT ĐƯỜNG HUYẾT HIỆU QUẢ

9 BÀI THUỐC NAM TRỊ TIỂU ĐƯỜNG TẠI NHÀ DỄ ÁP DỤNG NHẤT

 

Sản phẩm đã xem

Zalo