7 Vai Trò Của Gan - Quyết Định Cuộc Sống Khỏe Mạnh
4 vai trò chính của gan được nhiều người biết đến
1. Vai trò của gan đối với cơ thể là gì?
Gan là một cơ quan vô cùng quan trọng đối với con người và tất cả những loài động vật có xương sống. Đây cũng là cơ quan phải hoạt động liên tục 24/24 giờ mỗi ngày. Cứ mỗi 2 phút toàn bộ lượng máu trong cơ thể sẽ chảy qua gan một lần, lượng máu này vừa đem đến các chất dinh dưỡng, vừa mang đến các chất độc hại cần gan phân loại và xử lý.
Trong hơn 500 vai trò khác nhau của gan, có một số vai trò được xem là nổi bật nhất, góp phần quyết định đến sức khỏe và tính mạng của cong người. Các vai trò chính của gan bao gồm:
1.1. Chức năng chuyển hóa
Chức năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành năng lượng là vai trò quan trọng, dù sự chuyển hóa diễn ra ở nhiều cơ quan khác nhau trong cơ thể, nhưng gan là nơi sự chuyển hóa diễn ra mạnh mẽ nhất.
Chức năng chuyển hóa glucid của gan: Đây là chất cơ bản, cung cấp khoảng 2/3 năng lượng sống cho toàn bộ cơ thể. Gan thực hiện chức năng này bằng cách dự trữ năng lượng glucid dưới dạng glycogen và phân giải glycogen thành năng lượng cung cấp cho cơ thể khi cần thiết.
Chuyển hóa lipid tại gan: Quá trình này chủ yếu xảy ra ở gan, khi đó các acid béo đến gan phần lớn sẽ tổng hợp thành chất béo trung hòa triglycerid hoặc phospholipid và cholesterol. Từ những chất này, gan tiếp tục tổng hợp thành lipoprotein để đưa vào máu và vận chuyển đến khắp các mô, tổ chức trong cơ thể.
Chức năng chuyển hóa protid của gan: Gan là một trung tâm chuyển hóa và là kho dự trữ protein quan trọng nhất của cơ thể. Tại gan, protein được dự trữ dưới dạng enzyme và một số protein chức năng. Các protein này khi phân giải tạo thành các mảnh acid amin nhỏ hơn để đưa vào máu và vận chuyển đến các tế bào khác trong cơ thể.
Gan được ví như một nhà máy chuyển hóa diệu kỳ của cơ thể
1.2. Chức năng đào thải độc tố
Cùng với chức năng chuyển hóa thì khả năng đào thải độc tố được xem là chức năng có vai trò quan trọng với cơ thể.
Gan được xem như lá chắn quan trọng có tác dụng ngăn chặn các chất độc (thực phẩm bẩn, hóa chất, thuốc hại gan…) xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa. Cùng với đó gan còn có trách nhiệm làm giảm độc tính và thải trừ một số cặn bã sinh ra trong quá trình chuyển hóa.
Cơ chế chống độc, đào thải độc tố của gan được thực hiện theo hai con đường:
Gan thải độc bằng phản ứng hóa học: Đây là con đường thải độc chính của gan, nhằm biến các chất độc hại thành chất khác không độc hoặc ít độc hơn. Quá trình chuyển hóa chất độc hại ở gan cần thực hiện thông qua các phản ứng và chu trình phản ứng chính sau: Phản ứng tạo ure, phản ứng liên hợp, phản ứng oxy hóa khử.
Cơ chế thải độc bằng cách cố định và thải trừ: Cơ chế này thường được sử dụng để đào thải một số kim loại nặng, các chất màu. Những chất này sẽ được gan giữ lại, không biến đổi và đào thải trực tiếp qua đường mật.
1.3. Chức năng tạo mật
Mật là một loại dịch mà gan tiết ra có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp ruột non phân giải và hấp thu chất béo, vitamin tan trong dầu, cholesterol… Trong thành phần của muối mật bao gồm muối mật, bilirubin, cholesterol, chất điện giải và nước.
Theo đó các tế bào gan có nhiệm vụ sản xuất và bài tiết liên tục dịch mật, sau đó đổ về túi mật để dự trữ và bơm xuống ruột non để hỗ trợ tiêu hóa thức năng.
Vì thế khi tế bào gan bị suy yếu, làm giảm khả năng tiết mật sẽ dẫn đến các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, đầy bụng, chướng hơi…
Gan sản xuất ra dịch mật, thông qua các ống dẫn mật để đổ về túi mật dự trữ
1.4. Chức năng dự trữ
Gan không chỉ là cơ quan chuyển hóa chất, mà còn là một kho dự trữ nhiều chất dinh dưỡng và sẽ lấy ra sử dụng khi cần thiết. Nhờ vậy, khi gan khỏe mạnh, nồng độ nhiều chất trong cơ thể sẽ luôn ở trạng thái ổn định, cân bằng.
Một số chất dự trữ chính trong gan bao gồm:
Các vitamin tan trong dầu (như vitamin A, E, K, D…): Gan không chỉ có tác dụng làm tăng hấp thu các vitamin tan trong dầu nhờ dịch mật, mà còn là nơi dự trữ các vitamin này.
Vitamin B12: Vitamin này sau khi hấp thụ sẽ được vận chuyển về gan và dự trữ ở đây và giải phóng dần cho cơ thể sử dụng. Lượng dự trữ vitamin B12 được dự trữ ở gan rất lớn, cơ thể có thể sử dụng trong khoảng 2 năm ở điều kiện bình thường .
Sắt: Khoáng chất này được dự trữ trong gan dưới dạng liên kết với apoferritin. Từ gan, sắt sẽ được vận chuyển dần tới tủy xương và tham gia vào quá trình tạo hồng cầu mới.
Máu: Gan là cơ quan nhận được lượng máu nhiều nhất trong cơ thể. Điều này là đặc điểm cấu tạo của gan và các xoang mạch giúp gan có thể giãn to hơn bình thường và chứa được máu nhiều hơn.
1.5. Điều hòa quá trình đông máu
Như đã trình bày ở trên, gan là cơ quan dự trữ các vitamin tan trong dầu, trong đó có cả vitamin K.
Chưa kể, gan còn tham gia vào quá trình sản xuất nhiều yếu tố đông máu như fibrinogen, prothrombin, proaccelerin, proconvectin, yếu tố chống ưa chảy máu A , yếu tố christmas.
Đồng thời gan cũng góp phần tạo nên một lượng lớn chất chống đông máu là heparin. Vì thế gan là cơ quan đảm nhiệm chức năng điều hòa quá trình đông máu. Khi chức năng gan bị rối loạn cũng dẫn đến rối loạn quá trình đông máu có thể làm tăng nguy cơ chảy máu ở người mắc bệnh gan.
Quá trình đông máu với các yếu tố đông máu được sản xuất từ gan
1.6. Tham gia vào quá trình tạo máu
Chức năng này được gan thực hiện ngay từ tháng thứ 3 khi còn là bào thai trong bụng mẹ. Lúc này gan là cơ quan chính sản xuất hồng cầu của thai nhi.
Sau khi đứa trẻ ra đời, tủy xương sẽ đảm nhận chức năng sản xuất hồng cầu cho cơ thể. Cùng với đó gan sẽ trở thành nơi sản xuất các protein cần thiết cho vòng đời của hồng cầu như: globin, các lipoprotein, phospholipid, vitamin B12, acid folic và sắt dưới dạng ferritin.
Chưa kể gan còn là nơi dự trữ máu lớn nhất cơ thể. Lượng máu này sẽ được huy động vào hệ tuần hoàn khi cần thiết.
1.7. Chức năng miễn dịch
Bên cạnh chức năng đào thải độc tố bảo vệ cơ thể, gan còn hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả hơn. Bởi vì gan là một phần của hệ thống thực bào đơn nhân, nó chứa một lượng lớn đại thực bào (hay còn gọi là tế bào Kupffer) liên quan đến hệ thống miễn dịch.
Những tế bào này có khả năng tiêu diệt được mọi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào gan qua đường ruột.
Tế bào Kupffer trong gan có nhiệm vụ như một người bảo vệ gan khỏi các chất độc hại
2. Cách duy trì và tăng cường chức năng gan
Đảm nhiệm nhiều vai trò như vậy nhưng gan lại là một cơ quan dễ bị tác động và tổn thương bởi nhiều yếu tố bên ngoài như vi khuẩn, virus, hóa chất…
Vì thế để có một lá gan khỏe mạnh, duy trì và tăng cường chức năng của tế bào gan, bạn cần:
Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, với người bị bệnh gan thì cần tuyệt đối nói không với rượu bia và các thức uống có cồn.
Thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, lựa chọn nguồn thực phẩm sạch, ăn uống đầy đủ và cân bằng giữa các nhóm chất, chú trọng các loại thực phẩm bổ gan, tươi ngon, giàu chất xơ và vitamin.
Chú ý uống đủ lượng nước cần thiết trong ngày, khoảng từ 1,5-2 lít nước lọc, trong ngày bạn có thể kết hợp cùng nước trái cây, rau củ để tăng lượng vitamin tốt cho gan.
Tăng cường vận động, tập thể dục, rèn luyện thể thao thường xuyên.
Tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh viêm gan virus
Khám sức khỏe gan, mật định kỳ, tốt nhất là 6 tháng/1 lần.
Chế độ dinh dưỡng giúp bạn có lá gan khỏe mạnh
Trên đây là toàn bộ thông tin bạn cần biết về vai trò của gan. Mong rằng qua bài viết bạn đã hiểu được tầm quan trọng của gan đối với cơ thể, từ đó có ý thức bảo vệ và duy trì chức năng gan.
Bạn có thể tham khảo một số sản phẩm hỗ trợ tăng cường và bảo vệ chức năng gan ngay dưới đây:
* DƯỠNG CAN BIDIPHAR - Giải Độc, Tăng Chức Năng Gan
* ALTAMIN - Thuốc Bổ, Giải Độc Gan
* Bidiplex - Multi Vitamin Tăng Cường Sức Khỏe
* HOKMINSENG - Viên Nhân Sâm, Lộc Nhung
* KINGDOMIN Multi - Viên Sủi Vitamin, Tăng Đề Kháng
* BIDIVIT AD - Bổ Sung Vitamin A, D
Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui
Website TMDT: www.bidipharshop.com
Shopee: https://shopee.vn/bidiphar
Email: bidipharshop@bidiphar.com
Hotline: 1800.888.677