Giỏ hàng

Biến Chứng Bệnh Thận Do Đái Tháo Đường Nguy Hiểm Như Thế Nào?

Biến chứng trên thận do đái tháo đường là một biến chứng nguy hiểm

1. Bệnh thận ở người bị tiểu đường

Thận là một cơ quan có tính chất sinh mạng với cơ thể, nó chịu trách nhiệm đào thải các chất độc hại trong máu ra ngoài cơ thể, giúp điều hòa các chất trong cơ thể. Ở bệnh nhân tiểu đường, nồng độ đường glucose trong máu quá cao, vượt quá ngưỡng cho phép của thận, khiến thận phải làm việc quá mức.

Lâu dần, sẽ gây tổn thương các lỗ lọc cầu thận, dẫn đến các biến chứng thận trên bệnh nhân đái tháo đường hay còn được gọi là bệnh thận đái tháo đường.

Tỷ lệ và mức độ của biến chứng thận phụ thuộc vào thời gian bị bệnh và mức độ kiểm soát đường huyết của bệnh nhân tiểu đường.

Theo thống kê, tại khoa thận có trung bình khoảng 40% số bệnh nhân phải chạy thận là do biến chứng thận của đái tháo đường.

Biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường thường có đặc điểm sau:

  • Nước tiểu phát hiện albumin liên tục (lớn hơn 300mg/ngày), được xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3-6 tháng.

  • Chức năng lọc của thận bị suy giảm dần

  • Kèm tăng huyết áp có thể xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu hoặc muộn hơn.

  • Bệnh thận đái tháo đường thường xuất hiện cùng bệnh võng mạc - biến chứng mắt ở người bệnh tiểu đường, bệnh thần kinh do đái tháo đường. 

Ở Việt Nam, biến chứng thận do đái tháo đường là nguyên nhân chính gây suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo. Đây cũng là yếu tố nguy cơ làm tăng biến chứng tim mạch do đái tháo đường, các bệnh ngoài da

Lượng đường trong máu tăng cao khiến thận phải làm việc quá mức

2. Tại sao đái tháo đường hay gây tổn thương thận?

Bởi vì chức năng chính của thận là lọc máu để đào thải độc tố và điều hòa nồng độ các chất trong cơ thể luôn ổn định, nên toàn bộ lượng máu trong cơ thể sẽ chảy qua thận thông qua các động mạch thận. 

Do đó, người bị bệnh tiểu đường thường gặp biến chứng trên thận là do các nguyên nhân sau:

  • Ở bệnh nhân có lượng đường huyết tăng cao, thận sẽ phải hoạt động quá mức để tăng đào thải glucose trong máu, điều này dẫn đến lượng máu đến thận tăng cao.

  • Lượng đường huyết quá cao sẽ làm sản sinh ra nhiều chất oxy hóa, gây tổn thương mao mạch cầu thận. 

Vì những lý do trên, sau một thời gian thận phải hoạt động quá mức, các hệ thống lọc cầu thận bị phá hủy dần, các lỗ lọc to lên làm nhiều protein bị lọt ra ngoài, gây protein niệu. 

Nếu tình trạng này không được phát hiện kịp thời và có biện pháp can thiệp sẽ dẫn đến suy giảm chức năng thận, cuối cùng thận có thể mất hoàn toàn chức năng và đe dọa đến tính mạng bệnh nhân.

3. Dấu hiệu cảnh báo thận đang bị tổn thương do tiểu đường

Phát hiện sớm các dấu hiệu của biến chứng bệnh thận ở người đái tháo đường để có biện pháp xử lý kịp thời, hạn chế tối đa biến chứng nặng và duy trì sức khỏe cho người bệnh.

Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu biến chứng suy thận ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường thường không đặc hiệu, khiến người bệnh khó nhận ra, đa phần chỉ phát hiện sớm nếu thăm khám định kỳ, thường xuyên.

Những triệu chứng của bệnh thận đái tháo đường có thể kể đến như sau:

  • Phù: Ban đầu có thể chỉ phù ở một phần cơ thể như cá chân hoặc phù mí mắt sau đó là phù toàn thân, da trắng nhợt, ấn vào lõm.

  • Tiểu đêm nhiều: Nước tiểu thường có bong bóng hoặc nhiều bọt

  • Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể luôn uể oải

  • Đầy hơi, chướng bụng, chán ăn: Nồng độ ure trong máu cao khiến bệnh nhân mất đi cảm giác ngon miệng và hơi thở có mùi.

  • Ngứa ngáy: Khi chức năng thận bị suy giảm dẫn đến chất thải tích tụ nồng độ cao trong máu gây ra dấu hiệu ngoài da của bệnh tiểu đường.

  • Khó thở: Người bị biến chứng thận do tiểu đường sẽ có cảm giác khó thở do bị ứ dịch tại phổi hoặc có thể là do thiếu máu làm thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy.

Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường kể trên, người bệnh tiểu đường nên chủ động thăm khám tại các bệnh viện để có giải pháp kịp thời

Một số dấu hiệu bệnh thận do đái tháo đường

4. Các tổn thương thận thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường

Bệnh thận do đái tháo đường bao gồm các biến chứng tại cầu thận, mạch máu thận và các bệnh lý nhiễm trùng thận - tiết niệu. Trong đó, các tổn thương chính chủ yếu gặp ở cầu thận, nơi mà máu sẽ đi qua để lọc bỏ các chất độc hại.

Các tổn thương thường gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh thận do đái tháo đường bao gồm:

  • Tổn thương cầu thận: Xơ hóa mạch thận lan tỏa, xơ hóa màng đáy cầu thận, tổn thương dạng nốt…

  • Tổn thương mạch thận: Xơ hóa mạch thận, thoái hóa kính lớp áo giữa mạch thận, xơ vữa động mạch thận…

  • Tổn thương tổ chức kẽ thận: Thoái hóa ống lượn gần, teo ống thận, xơ hóa kẽ thận…

  • Nhiễm trùng đường niệu, bàng quang

  • Hoại tử gai thận hoặc nhú thận.

  • Suy thận cấp

Mặc dù các tổn thương này không phải chỉ có ở bệnh nhân đái tháo đường, tuy nhiên đái tháo đường là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tổn thương thận và các tổ chức quanh thận.

5. Các giai đoạn tổn thương thận ở người bệnh đái tháo đường

Đối với bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 nếu không điều trị, kiểm soát tốt đường huyết lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng đến chức năng thận. Biến chứng thận trên bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 có thể diễn tiến qua 5 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn 1: Đường huyết tăng cao, lượng máu đến thận tăng làm tăng kích thước của thận.

  • Giai đoạn 2: Chưa có triệu chứng tổn thương thận rõ ràng, nhưng bên trong thận đã bắt đầu có những thay đổi mô học ở cầu thận.

  • Giai đoạn 3: Có Albumin trong nước tiểu, đây là dấu hiệu cho thấy bệnh thận đã diễn tiến nặng hơn.

  • Giai đoạn 4: Các biến chứng thận ở bệnh nhân đái tháo đường có triệu chứng rõ ràng, chức năng thận bắt đầu suy giảm, huyết áp tăng, tổng lượng albumin trong nước tiểu 24 giờ nhiều hơn  300mg.

  • Giai đoạn 5: Biến chứng thận do đái tháo đường giai đoạn cuối nếu không điều trị sẽ có khoảng 20% sẽ cần phải lọc thận, thay thận để duy trì cuộc sống.

Đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, ngay lúc chẩn đoán có thể bệnh nhân đã có dấu hiệu tăng huyết áp, albumin niệu. Ngoài ra, có khoảng 20% số người bị đái tháo đường tuýp 2 có biến chứng trên thận nhưng không phát hiện albumin trong nước tiểu.

Các giai đoạn diễn tiến của bệnh thận do tiểu đường

6. Yếu tố tăng nguy cơ gặp bệnh thận ở người tiểu đường

Mặc dù bất kỳ bệnh nhân đái tháo đường nào cũng đều có nguy cơ gặp biến chứng thận, nhưng một số yếu tố nguy cơ dưới đây sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận đái tháo đường:

  • Lượng glucose máu không ổn định, HbA1c cao

  • Đái tháo đường kèm tăng huyết áp

  • Người có triệu chứng rối loạn mỡ trong máu, tăng cholesterol máu.

  • Người cao tuổi

  • Chế độ ăn nhiều đạm, hút thuốc lá

  • Người béo phì, có chỉ số BMI trên 25

Những đối tượng mắc bệnh tiểu đường có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ kể trên có thể sẽ dễ bị mắc bệnh thận đái tháo đường hơn người không có yếu tố nguy cơ.

7. Chẩn đoán biến chứng thận ở người tiểu đường như thế nào?

Để xác định bệnh thận do đái tháo đường, khi đến bệnh viện có thể bạn cần thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Xác định các thông số nước tiểu, từ đó kiểm tra xem trong nước tiểu có chứa albumin hay không.

  • Xét nghiệm máu: Nhằm xác định các chỉ số sau nồng độ ure, creatinin trong máu, từ đó sẽ biết được mức độ tổn thương thận ở bệnh nhân đái tháo đường. 

  • Sinh thiết thận: Thủ thuật này được thực hiện khi các xét nghiệm kể trên chưa đủ để đưa ra kết luận.

Kiểm tra và chẩn đoán sớm các tổn thương thận ở người bệnh đái tháo đường sẽ giúp người bệnh phòng tránh và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xét nghiệm albumin trong nước tiểu là giúp phát hiện sớm các nguy cơ tổn thương thận

8. Điều trị biến chứng thận và tiểu đường bằng cách nào?

Điều trị cùng lúc bệnh tiểu đường và biến chứng tổn thương thận không phải là việc dễ dàng. Vì thế khi điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh thận đái tháo được cần đảm bảo các nguyên tắc dưới đây:

  • Kiểm soát đường huyết và chỉ số HbA1c <7%.

  • Kiểm soát huyết áp thật tốt sao cho HA < 130/80 mmHg.

  • Hạn chế tiêu thụ đạm, muối trong khẩu phần ăn

  • Tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa

9. Phòng ngừa biến chứng trên thận do đái tháo đường

Bởi vì biến chứng bệnh thận do đái tháo đường gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì thế người mắc bệnh đái tháo đường cần chủ động phòng tránh biến chứng này thông qua một số biện pháp sau:

  • Giảm lượng đạm trong khẩu phần ăn: Đối với người đã có biến chứng thận đái tháo đường cần ăn giảm đạm theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Tốt nhất không ăn quá 0.8 – 1g/Kg cân nặng/ ngày.

  • Giảm lượng muối: Một người chỉ nên ăn tối đa 5g muối/ngày, tương đương với 1 muỗng cà phê muối. Đặc biệt, người bệnh cũng cần lưu ý hạn chế ăn các món ăn chứa nhiều muối như các loại hải sản, đồ muối chua, thịt cá đóng hộp…

  • Tăng cường ăn nhiều rau củ quả tươi, các loại trái cây tươi giàu vitamin và khoáng chất.

  • Không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều Phosphat, Kali như: Chuối, các loại hoa quả khô, phô mai,  sữa…

  • Thường xuyên vận động, tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức như đi bộ chậm, khí công, dưỡng sinh, thiền hoặc làm một số việc nhẹ trong nhà… Tránh làm việc nặng sẽ làm tăng áp lực lên thận.

  • Uống đủ nước: Mỗi ngày một người lớn trưởng thành cần uống khoảng 2l nước mỗi ngày. Tuy nhiên với bệnh nhân mắc bệnh thận do biến chứng đái tháo đường đã có triệu chứng phù, cần uống một lượng nước vừa đủ theo chỉ định của bác sĩ.

  • Duy trì và kiểm soát cân nặng trong mức cân cho phép với chỉ số BMI < 25 được tính theo công thức BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2].

  • Tái khám định kỳ nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường và phòng ngừa biến chứng tiểu đường nguy hiểm.

Hạn chế muối trong khẩu phần ăn là một cách giúp phòng ngừa biến chứng trên thận ở người bị tiểu đường

Trên đây là toàn bộ thông tin cần thiết về biến chứng thận trên người mắc bệnh tiểu đường. Mong rằng qua bài viết bạn đã thu được nhiều kiến thức hữu ích, giúp phòng tránh và hạn chế tác hại của biến chứng này đến sức khỏe.

Chủ động kiểm soát tốt lượng đường huyết là cách tốt nhất giúp bảo vệ sức khỏe và phòng tránh nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy tham khảo sản phẩm hỗ trợ kiểm soát đường huyết được chiết xuất từ dây thìa canh dưới đây:

HEBAMIC - Viên Tiểu Đường

 

Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui

Website TMDT: www.bidipharshop.com

Shopee: https://shopee.vn/bidiphar

Email: bidipharshop@bidiphar.com

Hotline: 1800.888.677 

 

Sản phẩm đã xem

Zalo