Giỏ hàng

Tăng Tốc Phát Triển Vùng Dược Liệu

Nguồn dược liệu Đông y hiện chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu với chất lượng mơ hồ nên cần tăng tốc phát triển các vùng trồng dược liệu trong nước theo quy hoạch.

Mơ hồ nguồn dược liệu nhập khẩu

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 1 Y học cổ truyền Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Y học cổ truyền tỉnh Bình Định, người có 30 năm hoạt động trong ngành Đông y, những năm gần đây, người bệnh có xu hướng quay lại với Đông y.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, hiện các cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền của Nhà nước đã đơn giản hóa phương pháp điều trị cho bệnh nhân nên hạn chế sử dụng thuốc phiến (thuốc thang bốc từng vị), mà bào chế ra thành phẩm cao đơn hoàn tán để điều trị, chỉ những cơ sở tư nhân mới còn dùng nhiều thuốc thang.

Vườn cây dược liệu thìa canh của BIDIPHAR. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn cây dược liệu thìa canh của BIDIPHAR. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhu cầu về thuốc Đông y tăng cao, nhưng do nguồn dược liệu trong nước không đủ đáp ứng, nên hầu hết các cơ sở cế biến thuốc và khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền đều lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu, chủ yếu là từ Trung Quốc. Trong khi công tác quản lý chất lượng nguồn dược liệu đầu vào chưa được chặt chẽ, nảy sinh nhiều bất cập.

Theo tâm tư của Bác sĩ Nguyễn Thanh Long, hiện nay, nguồn dược liệu sử dụng trong nước hầu hết được nhập từ Trung Quốc do tư thương mua về phân phối, chất lượng không biết tốt xấu thế nào, đặc biệt thuốc nhập lậu thì chất lượng càng mơ hồ.

Đáng quan ngại hơn dược liệu cũng là cây cỏ thực vật, không biết chúng được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ hay hóa học, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong chúng cao thấp. Nếu sử dụng dược liệu kém chất lượng bào chế thuốc điều trị cho bệnh nhân, khó lường được điều gì sẽ xảy ra.

Hơn nữa, thuốc Tây y dễ bảo quản, còn dược liệu Đông y rất khó bảo quản, bởi chúng là cây cỏ thực vật, trong khi khí hậu Việt Nam nóng ẩm, dược liệu nhập về để trần trụi nên khả năng nhiễm bẩn rất cao, đó là chưa nói đến chúng dễ bị mối mọt côn trùng xâm hại.

Vườn ươm cây dược liệu của BIDIPHAR tại xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Vườn ươm cây dược liệu của BIDIPHAR tại xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Trước bối cảnh này, để việc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp y học cổ truyền mang lại hiệu quả, lương y phải thể hiện cái tâm của người thầy thuốc. Bởi chỉ thầy thuốc mới biết rõ chất lượng của những loại dược liệu mình đang sử dụng. Nếu dược liệu mất phẩm chất phải được hủy bỏ, đừng đưa vào điều trị mà gây hại đến sức khỏe của bệnh nhân. Thêm vào đó, biết là công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng của nguồn dược liệu là rất khó, nhưng khó cũng phải làm, đó là tiền đề để ngành y học cổ truyền thu phục được niềm tin của bệnh nhân”, Bác sĩ Nguyễn Thanh Long bộc bạch.

Cũng vấn đề trên, bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Công ty Dược-Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) cho rằng, nguồn dược liệu nhập ngoại còn làm lũng đoạn thị trường dược liệu trong nước.

“Hiện nay, nguồn dược liệu sử dụng trong nước đang lâm cảnh “vàng thau lẫn lộn”. Dược liệu nhập khẩu có giá rất rẻ, nhưng chất lượng như thế nào không thể kiểm soát được đã khiến thị trường dược liệu trong nước rối tinh rối mù.

Do không quản lý được nguồn gốc, chất lượng nguồn dược liệu nhập khẩu dẫn tới sự cạnh tranh không sòng phẳng giữa nguồn dược liệu trong nước đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dược liệu nhập khẩu có xuất xứ, chất lượng mơ hồ. Chính điều này đã “cầm chân” hoạt động của các đơn vị chuyên sản xuất thuốc Đông y trong nước”, bà Hương chia sẻ.

Giống hà thủ ô đỏ được BIDIPHAR nuôi cấy mô tại An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Giống hà thủ ô đỏ được BIDIPHAR nuôi cấy mô tại An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nguồn: nongnghiep.vn

 


Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui

www.bidipharshop.com

Email: bidipharshop@bidiphar.com

Hotline: 1800.888.677


 

 
 
 

Sản phẩm đã xem

Zalo