Giỏ hàng

Nhân Sâm Và Tất Cả Những Thông Tin Bạn Phải Nằm Lòng

Nhân sâm là một trong 4 vị dược liệu quý, bao gồm: "sâm - nhung - quế - phụ"

1. Đôi nét về cây nhân sâm

Tên khoa học của cây nhân sâm: Panax ginseng là cây thuộc chi Nhân sâm (Panax),  họ Cuồng hay họ Ngũ gia bì (Araliaceae).

Ngoài tên gọi quen thuộc, cây nhân sâm thường được gọi bằng một số tên khác như: viên sâm, dã nhân sâm…

Trong chi Nhân sâm (Panax) có rất nhiều loại nhân sâm, trong đó có 11 loại nhân sâm phổ biến và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên nhân sâm Hàn Quốc (Panax ginseng) là loại được biết đến nhiều nhất và có nhiều tác dụng chữa bệnh.

Vì vậy, bài viết này chỉ phân tích cụ thể về loại nhân sâm Hàn Quốc (Panax ginseng).

1.1. Đặc điểm hình thái của cây nhân sâm

Cây nhân sâm là một loại cây sống lâu năm và phát triển rất chậm. Trong suốt vòng đời của mình cấy chỉ cao chừng 0,6m. Rễ chính phát triển thành củ to.

Lá cây là dạng lá kép hình chân vịt, cuống lá dài, mép lá hình răng cưa, mọc thành vòng. Một vòng lá có tối đa 5 lá chét. Số lá chét cho biết giai đoạn phát triển trong vòng đời của cây nhân sâm.

  • Giai đoạn 1 năm đầu tiên: Nghĩa là cây đã được gieo trồng 2 năm, cây chỉ có 1 lá gồm 3 lá chét.

  • Giai đoạn cây được 2 năm tuổi: Cây vẫn chỉ có 1 lá nhưng gồm 5 lá chét.

  • Giai đoạn cây nhân sâm 3 năm tuổi: Cây bắt đầu xuất hiện lá kép thứ 2, mỗi lá kép gồm 5 lá chét.

  • Giai đoạn 4 năm tuổi của cây nhân sâm: Lúc này trên cây đã có 3 lá kép, tất cả các lá đều gồm 5 lá chét.

  • Giai đoạn từ năm thứ 5 trở đi: Trên cây luôn có từ 4 đến 5 lá kép, một số trường hợp đặc biệt cây có thể có đến 6 lá kép.

Cây nhân sâm ra hoa lần đầu tiên vào mùa hè đầu tiên của năm thứ 3. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành, hoa có màu xanh nhạt gồm: 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ 2 núm. Hoa thường nở vào tháng 3 đến tháng 5 hàng năm.

Quả cây nhân sâm là loại quả mọng, có hình  hơi dẹt, kích thước to bằng hạt đậu xanh, khi chín quả có màu đỏ, bên trong chứa 2 hạt. Hạt cây sâm ở năm thứ 3 chưa phải là loại hạt tốt. Thông thường người ta sẽ loại bỏ, đợi cây được 4-5 năm mới để ra quả và lấy hạt làm giống.

Cây nhân sâm là loại cây sống lâu năm và phát triển rất chậm

1.2. Phân loại nhân sâm

Nhân sâm sau khi được thu hái, dựa vào phương pháp chế biến có thể phân loại thành các loại sau: 

  • Sâm tươi: là loại nhân sâm tự nhiên, gần như được giữ nguyên trạng sau khi thu hái. Nhân sâm tươi thường là loại nhân sâm từ 4 năm tuổi trở lên.

  • Hồng sâm: Nhân sâm tươi sau khi thu hái sẽ được giữ nguyên vỏ và đem hấp bằng hơi nước rồi đem phơi khô cho đến khi hàm lượng nước thấp dưới 14%. Qua quá trình chế biến như vậy ruột nhân sâm chuyển sang màu hồng, nên được gọi là Hồng sâm.

  • Bạch sâm: Từ nguyên liệu nhân sâm tươi, sau khi thu hái sẽ được bóc vỏ và phơi khô dưới ánh sáng tự nhiên, cho đến khi lớp bên ngoài của nhân sâm chuyển thành màu sữa trắng đục.

  • Thái cực sâm: Đây là loại nhân sâm được ngâm trong nước sôi ở nhiệt độ cao và trong thời gian dài, sau đó đem phơi khô. Loại nhân sâm này có màu vàng nhạt hoặc vàng nâu nhạt, nằm ở giữa Hồng sâm và Bạch sâm.

Ngoài ra, dựa vào điều kiện sinh trưởng, người ta còn phân loại thành: sâm trồng, sâm núi…

1.3. Phân bố

Nhân sâm là loại cây ưa khí hậu ôn đới nên thường được tìm thấy ở vùng núi các nước có khí hậu mát mẻ như: Hàn Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Trung Quốc, Khu vực Viễn Đông của Liên Bang Nga, Hoa Kỳ… Trong đó nhân sâm Hàn Quốc là loại nổi tiếng nhất và được đánh giá là loại nhân sâm đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.

1.4. Bộ phận dùng

Rễ cây nhân sâm được thu hoạch vào mùa thu và mùa xuân hàng năm là bộ phận chính được dùng làm thuốc của cây nhân sâm.

Từ rễ củ tươi sau khi thu hái sẽ được chế biến theo nhiều phương pháp khác nhau để tạo thành bạch sâm, hồng sâm, thái cực sâm…

Rễ là bộ phận chứa nhiều thành phần hoạt tính nhất của cây nên được sử dụng làm thuốc nhiều nhất

1.5. Thành phần hóa học của cây nhân sâm

Kết quả phân tích thành phần hóa học của rễ nhân sâm cho thấy: Trong rễ nhân sâm có chứa các thành phần hóa học có tác dụng chữa bệnh như sau:

  • Saponin: Đây là thành phần chính gây ra tác dụng dược lý cho cây nhân sâm, loại saponin chính có trong cây gồm các ginsenosides: Ginsenosides Ro, Re, Rg1, Rg2, Rg3, Rh1, Rh2, Ra1, Ra2,… Các saponin ginsenosides này có tác dụng: giải độc và chống viêm gan, tác dụng chống đông máu, hỗ trợ điều trị tiểu đường, phòng chống xơ cứng động mạch, tác dụng tăng cường chức năng sinh lý,  hạ đường huyết, chống tiểu đường, tác dụng chống bệnh viêm loét dạ dày…

  • Đặc biệt, thành phần Saponin ginsenosides Rh2, Rg3 có tác dụng ức chế và kìm hãm sự phát triển của khối u, phòng chống bệnh ung thư. Hiện nay, thành phần Rh2, Rg3 đã được chiết xuất từ hồng Sâm để bào chế thành các loại thuốc ngăn ung thư và để hỗ trợ điều trị một vài loại bệnh ung thư.

  • Các thành phần Malonyl của Rb1, Rb2, Rc, Rd có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp duy trì sức khỏe và kéo dài tuổi thọ. 

  • Ngoài những thành phần trên, trong rễ nhân sâm còn chứa 7 loại hợp chất polyacetylen, 17 loại axit béo tự nhiên (axit panmitic, axit stearic, oleic…) trong đó có đủ 8 loại axit amin cần thiết cho cơ thể và 20 loại khoáng chất: Fe, Mn, Co, Se, K… Các thành phần phụ khác là glucid, tinh dầu… giúp cung cấp đầy đủ vi chất cần thiết cho cơ thể.

2. Tác dụng của cây nhân sâm

Từ xa xưa, nhân sâm đã được coi là một trong 4 loại dược liệu quý, có tác dụng chữa nhiều bệnh. Nhân sâm là vị thuốc được ưu tiên sử dụng trong hoàng gia để duy trì và bồi bổ sức khỏe cho các bậc vua chúa.

2.1. Theo y học hiện đại

Cùng với sự phát triển của khoa học hiện đại, tác dụng của nhân sâm đối với cơ thể đã được chứng minh rõ ràng. Các lợi ích sức khỏe mà nhân sâm mang lại cho con người bao gồm:

  • Bồi bổ cơ thể: Nhân sâm có tác dụng tăng hệ miễn dịch, giúp cơ thể nhanh chóng hồi phục sau khi bị bệnh, giảm tình trạng mệt mỏi, uể oải.

  • Gìn giữ tuổi xuân:Nhân sâm giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa trong cơ thể, từ đó giúp làm chậm quá trình lão hóa, kéo dài tuổi thanh xuân.

  • Ngăn ngừa các bệnh tim mạch: Cải thiện lưu thông tuần hoàn máu, tăng sinh hồng cầu, phòng chống thiếu máu, bệnh huyết áp thấp và các bệnh về tim mạch và điều hòa huyết áp ổn định.

  • Tăng cường chức năng não bộ: Nhân sâm giúp  tăng cường  trí nhớ, phòng tránh bệnh Alzheimer, đồng thời giúp tăng sự tỉnh táo, tập trung trong quá trình học tập làm việc.

  • Phòng chống xơ cứng động mạch, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị bệnh đau dạ dày

  • Ngăn ngừa khả năng mắc bệnh ung thư, phòng chống bệnh tiểu đường

  • Giúp giảm tình trạng căng thẳng: giúp bạn được thư giãn, tăng khả năng tập trung.

  • Cải thiện chức năng tình dục ở nam giới

  • Giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh: Vì nhân sâm kích thích các quá trình sinh tổng hợp quan trọng trong cơ thể, từ đó tăng cường khả năng miễn dịch, chống oxy hóa, ngăn cản quá trình lão hóa, giúp cơ thể chống lại các điều kiện bất lợi và tác nhân gây bệnh bên ngoài (thay đổi thời tiết nóng, lạnh, tia bức xạ, khói bụi ô nhiễm, hóa chất độc hại)...

  • Nâng cao  chức năng hô hấp, chống lại bệnh lao và bệnh hen suyễn.

  • Chữa nhiều bệnh về da: Nhân sâm giúp giải độc, ngăn ngừa tình trạng kích ứng da, bệnh viêm da và các bệnh về da.

Các nhóm đối tượng nên sử dụng nhân sâm để có cơ thể khỏe mạnh

2.2. Theo y học cổ truyền

Trong đông y, nhân sâm là thuốc có vị ngọt, hơi đắng, tính ôn,  quy vào các kinh: tỳ, phế, tâm.

Nhân sâm có tác dụng đại bổ nguyên khí, chủ bổ ngũ tạng, phục mạch cố thoát, sinh tân, trừ tà khí, an thần, bổ tỳ ích phế, khai tâm tích trí.

Nhiều sách đông y cổ thường ghi nhận sâm giúp bồi bổ cả năm tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận), giúp tăng cường cả thể lực và trí não. 

Nhân sâm được dùng trong các trường hợp cơ thể gầy yếu, suy nhược, người mới ốm dậy, người cao tuổi.

3. Các cách sử dụng nhân sâm

Để đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, ngoài sử dụng trong nhiều bài thuốc, nhân sâm còn được sử dụng theo một số cách dưới đây để tăng tác dụng;

3.1. Nhân sâm ngâm mật ong

Sử dụng nhân sâm ngâm cùng mật ong là một cách giúp bồi bổ cơ thể hiệu quả. Mật ong giúp bảo quản nhân sâm được lâu hơn, tránh nhân sâm bị biến chất do độ ẩm không khí.

Các bước làm nhân sâm ngâm mật ong gồm:

  • Bước 1: Xếp nhân sâm đã được thái lát mỏng vào lọ thủy tinh đã rửa sạch, để ráo.

  • Bước 2: Rót từ từ mật ong vào bình, cho đến khi nhân sâm được mật ong bao phủ toàn bộ, đậy kín nắp.

  • Bước 3: Ủ bình ở nơi thoáng mát, có thể dùng sau 7 đến 10 ngày.

Có thể ngậm 2 đến 3 lát nhân sâm mỗi ngày hoặc dùng 2 - 3 thìa nước mật ong để pha với nước ấm vào mỗi buổi sáng.

Không nên dùng cách này cho người mắc bệnh tiểu đường.

Uống nhân sâm ngâm mật ong là một cách để bồi bổ cơ thể hiệu quả

3.2. Nhân sâm ngâm rượu

Rượu nhân sâm được coi là một loại rượu quý, giúp tăng cường sức khỏe cho người sử dụng

Cách làm nhân sâm ngâm rượu cũng gần giống với nhân sâm ngâm mật ong. Tỷ lệ nhân sâm và rượu là 100-120gram : 1 lít rượu.

Thời gian ngâm là từ 3 đến 6 tháng có thể sử dụng, rượu ngâm càng lâu, các chất trong nhân sâm chiết ra càng nhiều, rượu có chất lượng càng tốt.

3.3. Nhân sâm dùng để pha trà

Trà nhân sâm là cách dễ sử dụng nhất mà vẫn tận dụng được hết các lợi ích của nhân sâm.

Cách sử dụng nhân sâm như một loại trà uống hàng ngày:

  • Bước 1: Dùng 1-3 gam nhân sâm khô, rửa sơ qua với nước, sau đó cho vào bình trà.

  • Bước 2: Cho một ít nước sôi vào hãm lần 1, loại bỏ nước đầu.

  • Bước 3: Hãm lại lần 2 khoảng 10 phút là có thể dùng.

Có thể dùng bã nhân sâm, hãm lại với nước khoảng 2 đến 3 lần. Sau đó bã nhân sâm có thể nhai và nuốt vô cùng tốt.

Cách sử dụng nhân sâm khô để sắc nước uống:

  • Bước 1: Dùng 5-10 gam nhân sâm khô, sắc lửa nhỏ, trong 20 đến 30 phút.

  • Bước 2: Sau khi đun xong, pha thêm 20 gam đường, chia nhỏ thành nhiều lần uống trong ngày. Phần xác nhân sâm có thể ăn sau khi uống hết nước.

Bạn chỉ nên dùng một lượng nhỏ hằng ngày, không nên dùng quá nhiều mỗi ngày. Ngoài ra có thể kết hợp nhân sâm với táo đỏ, linh chi,... để tăng hiệu quả.

3.4. Nhân sâm chế biến thành các món ăn bổ dưỡng

Bên cạnh các bài thuốc, nhân sâm có thể chế biến thành những món ăn bổ dưỡng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một số món ăn đơn giản, không cầu kỳ được chế biến từ nhân sâm như: cháo nhân sâm, gà hầm sâm…. 

Đây là những món ăn bổ dưỡng, giúp bồi bổ sức khỏe thích hợp cho người gầy yếu, suy nhược, người cao tuổi, người mới ốm dậy.

Gà hầm sâm là một món ăn bổ dưỡng, rất tốt cho người có sức khỏe suy nhược, gầy yếu, người mới ốm dậy.

4. Lưu ý khi sử dụng nhân sâm để có tác dụng tốt nhất

Mặc dù nhân sâm là một loại thuốc quý trong y học, tuy nhiên bạn cần lưu ý một số điều sau để sử dụng nhân sâm có tác dụng tốt nhất, tránh gây lãng phí và có hại cho người dùng.

  • Các sản phẩm có thành phần là nhân sâm chỉ nên uống vào buổi sáng hoặc chiều vì uống vào buổi tối rất dễ gây mất ngủ.

  • Không nên dùng nhân sâm cho các trường hợp sau: người bị bệnh viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày, tiêu chảy đi ngoài, trẻ em dưới 14 tuổi, người bị bệnh huyết áp cao 

  • Trong quá trình chế biến nhân sâm, không nên sử dụng đồ kim loại để nấu mà nên dùng nồi đất hoặc nồi sứ. Do chất kim loại khi nấu sâm sẽ gây biến đổi một số chất trong nhân sâm, gây tác hại xấu đến sức khỏe.

  • Khi dùng nhân sâm, không nên kết hợp với hải sản (tôm, cua, cá…), củ cải hoặc uống cùng nước trà ngay sau đó.

  •  Chỉ nên sử dụng  3-6 gam nhân sâm/ngày.

Trên đây là tất cả các thông tin cơ bản mà bạn nên biết trước khi quyết định sử dụng nhân sâm để đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về nhân sâm.

Nhân sâm kết hợp lộc nhung có tác dung tăng cường sức khỏe cho người già, người gầy yếu, suy nhược, người phải lao động nặng.

>>> Xem thêm: HOKMINSENG - Viên Nhân Sâm, Lộc Nhung

 

 

Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui

Website TMDT: www.bidipharshop.com

Shopee: https://shopee.vn/bidiphar

Email: bidipharshop@bidiphar.com

Hotline: 1800.888.677

 

Sản phẩm đã xem

Zalo