Giỏ hàng

Vai Trò Không Thể Thay Thế Của Sắt Đối Với Cơ Thể

Chất sắt là một nguyên tố hóa học phổ biến trong tự nhiên, đồng thời cũng là khoáng chất có tác dụng quan trọng đối với sức khỏe con người

1. Sắt là gì?

Sắt là một nguyên tố hóa học khá phổ biến trong tự nhiên, đồng thời cũng là chất khoáng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe con người.

Trong cơ thể, vai trò chính của sắt đó là tham gia vào quá trình sản xuất hồng cầu - một loại tế bào máu quan trọng. Bên cạnh đó, nó còn là yếu tố tham gia vào các phản ứng oxy hóa khử, giúp đảm bảo các hoạt động sinh lý của cơ thể diễn ra bình thường.

Theo các nghiên cứu, trung bình tổng lượng sắt nguyên tố được tìm thấy ở cơ thể nam giới trưởng thành là khoảng 3,8 gram 2,3 gram ở phụ nữ trưởng thành.

2. Tác dụng của sắt đối với cơ thể

Vai trò của sắt đối với cơ thể là rất quan trọng, điều này ai cũng biết, đặc biết đối với phụ nữ mang thai sắt còn quan trọng hơn gấp nhiều lần. Dưới đây là các tác dụng của sắt với cơ thể:

2.1. Điều trị và dự phòng thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu trong máu hoặc nồng độ hemoglobin bên trong hồng cầu thấp hơn giá trị bình thường. Trong đó, thiếu sắt là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng thiếu sắt.

Bởi vì sắt là một yếu tố cần thiết để sản xuất máu. Khoảng 70% lượng sắt trong cơ thể được tìm thấy trong các tế bào hồng cầu của máu được gọi là hemoglobin và trong tế bào cơ được gọi là myoglobin. 

  • Hemoglobin là chất chuyển oxy trong máu, từ phổi đến từng tế bào. 

  • Myoglobin trong tế bào cơ có tác dụng tiếp nhận, lưu trữ, vận chuyển và giải phóng oxy.

Khi cơ thể thiếu sắt, dẫn đến không có đủ lượng sắt để tạo ra hemoglobin, khiến cơ thể gầy yếu xanh xao.

Đặc biệt, phụ nữ có thai là đối tượng có nguy cơ thiếu máu rất cao, do ngoài lượng sắt cung cấp cho bản thân mình, cơ thể người mẹ còn phải sử dụng sắt làm nguyên liệu tạo máu cho thai nhi.

Vì thế, bổ sung đầy sắt sẽ giúp phòng tránh bệnh thiếu máu do thiếu sắt, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, hồng hào. Đối với phụ nữ mang bầu, uống đủ sắt sẽ giúp thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và con, giảm nguy cơ sảy thai, sinh non…

Vai trò chủ yếu của sắt là tham gia cấu tạo các tế bào hồng cầu khỏe mạnh

2.2. Giúp phát triển cơ bắp

Như đã trình bày ở trên, sắt là thành phần cấu tạo myoglobin - một thành phần trong tế bào cơ, có vai trò dự trữ oxy. Khi tập luyện hoặc vận động mạnh, cơ bắp sẽ lấy oxy và sắt để hỗ trợ quá trình này, giúp các nhóm cơ bắp phát triển và săn chắc hơn.

Vì vậy sắt là một nhóm thực phẩm mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn cơ bắp phát triển săn chắc, kể cả người tập gym.

2.3. Tăng khả năng tập trung và phát triển trí não ở trẻ 

Bên cạnh vai trò vận chuyển oxy lên não, sắt còn rất cần thiết cho sự phát triển của hệ thần kinh trung ương. Thiếu sắt sớm có thể cản trở sự phát triển thần kinh, quá trình trao đổi chất, cản trở sự phát triển trí tuệ và khả năng tập trung.

Một nghiên cứu kéo dài nhiều năm ở Mỹ, trên 676 phụ nữ mang thai cho thấy, việc bổ sung đầy đủ sắt từ khi mang thai đến trước khi sinh có tác động đáng kể đến khả năng vận động và trí tuệ của trẻ trong độ tuổi đi học.

Trẻ thiếu sắt thường có biểu hiện ngủ gật, học tập kém tập trung, da xanh xao, nhợt nhạt. Ngoài ra, thiếu sắt sẽ làm trẻ em bị biếng ăn, còi cọc và chậm lớn.

2.4. Tăng dẫn truyền thần kinh

Cải thiện tâm trạng là một trong những lợi ích sức khỏe của sắt mà ít người biết đến. Nó tham gia vào quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin, norepinephrine. Nhờ các chất dẫn truyền thần kinh này, giúp trí não hoạt động tốt hơn, hưng phấn hơn, từ đó điều hướng tâm trạng theo hướng tích cực hơn.

Đối với phụ nữ có thai và sau khi sinh, hormone liên tục thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm trạng, có thể gây ra bệnh trầm cảm. Vì vậy, bổ sung sắt không chỉ phòng ngừa nguy cơ thiếu máu trước và sau sinh, mà còn có tác dụng cải thiện tâm trạng, phòng tránh nguy cơ trầm cảm.

Một số tác dụng của sắt đối với cơ thể 

2.5. Nâng cao sức đề kháng

Sắt là một trong những yếu tố tham gia tích cực vào hoạt động của hệ thống miễn dịch. Với cơ thể được cung cấp đầy đủ sắt, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động tốt và khỏe mạnh. Bên cạnh đó, hệ miễn dịch của cơ thể thiếu sắt sẽ không thể chống lại các tác nhân gây bệnh tấn công vào cơ thể, gây ra bệnh tật. 

Đây là lý do vì sao trẻ em bị thiếu sắt, thường xuyên mắc các bệnh viêm đường hô hấp (cúm, cảm lạnh, viêm phế quản, viêm phổi…), do hệ miễn dịch không thể đánh bại những tác nhân nguy hại như vi khuẩn, virus, nấm… 

Tuy nhiên, bổ sung quá nhiều sắt trong một khoảng thời gian ngắn, cũng có thể gây cản trở cho hệ thống miễn dịch thực hiện đúng nhiệm vụ. Vì thế, chúng ta chỉ nên sử dụng sắt với liều lượng trong mức cho phép

2.6.  Điều chỉnh thân nhiệt

Thiếu sắt gây thiếu màu là nguyên nhân chính ức chế trung tâm điều nhiệt khi cơ thể bị lạnh. Điều này được các nhà khoa học giải thích là do, thiếu sắt gây suy giảm chức năng tuyến giáp và sự suy giảm nồng độ oxy trong mô tế bào,  gây thất thoát nhiệt ra môi trường.

Bổ sung đầy đủ sắt giúp trung tâm điều nhiệt được cần bằng và điều hòa.

2.7. Cung cấp năng lượng cho cơ thể

Thiếu máu do thiếu sắt khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng tập trung làm việc, cũng như khả năng vận động. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, người thiếu sắt có năng suất lao động thấp đáng kể so với người bình thường, thậm chí ngay cả khi thiếu sắt chưa gây ra thiếu máu.

3. Sắt có trong thực phẩm nào?

Giống như các loại vitamin và khoáng chất khác, cơ thể cũng không thể tự tổng hợp được, mà phải cung cấp từ bên ngoài thông qua bữa ăn hàng ngày hoặc viên uống bổ sung sắt.

Nhóm các loại thực phẩm giàu chất sắt nhất

Những loại thực phẩm giàu chất sắt bao gồm:

  • Các loại động vật có vỏ như trai, sò, ốc, hến…

  • Các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt lợn nạc…

  • Nội tạng động vật: gan, thận, tim…

  • Một số loại thực vật: rau bina, các loại đậu (đậu tương, đậu Hà Lan…)

Có thể thấy, sắt chủ yếu được tìm thấy ở động vật. Ở thực vật hầu như chỉ tìm thấy một loại sắt được gọi là sắt nonheme - loại sắt cơ thể khó hấp thu.

Vì vậy, người ăn chay là đối tượng dễ có nguy cơ thiếu sắt. Để giảm thiểu nguy cơ này, người ăn chay cần kết hợp ăn các loại đậu và rau có màu xanh đậm với thực phẩm giàu vitamin C, giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn

4. Sử dụng các chế phẩm cung cấp sắt như thế nào?

Bên cạnh việc bổ sung sắt qua thực phẩm, bạn có thể bổ sung sắt bằng đường uống khi bữa ăn không cung cấp đủ sắt theo nhu cầu hằng ngày hoặc bữa ăn không đảm bảo được lượng sắt bạn cần.

4.1. Dạng bào chế và hàm lượng

Trên thị trường hiện nay, sắt có thể đăng ký lưu hành dưới dạng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. 

Các dạng bào chế của sắt dùng đường uống bao gồm: viên nén, viên nang hoặc sắt dạng nước… Mỗi dạng bào chế lại có nhiều hàm lượng khác nhau, phụ thuộc vào nhóm đối tượng sử dụng.

Bạn có thể lựa chọn giữa sắt đơn chất hoặc sắt kết hợp với các thành phần khác như: vitamin B12, axit folic, các loại vitamin và khoáng chất khác.

Chất sắt chủ yếu được bào chế thành viên nén hoặc viên nang, nhằm che dấu mùi tanh tự nhiên của sắt

4.2. Liều dùng

Nhu cầu bổ sung sắt của mỗi người thường khác nhau phụ thuộc vào độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe… Dưới đây là liều dùng tham khảo cho một số nhóm đối tượng:

Bổ sung sắt theo độ tuổi để dự phòng thiếu máu do thiếu sắt.

  • Đối với trẻ em từ 3-6 tháng tuổi cần bổ sung khoảng 6.6mg/ngày, 

  • Trẻ từ 6-12 tháng tuổi cần khoảng 8.8mg/ngày.

  • Trẻ em trong độ tuổi từ  01-10 tuổi cần 10mg/ngày. 

  • Trong độ tuổi dậy thì nam giới cần 12mg/ngày.

  • Ở tuổi trưởng thành nữ giới cần 18mg/ngày, nam giới là 10mg/ngày.

  • Đối với phụ nữ mang thai cần bổ sung nhiều sắt nhất 50mg/ngày. 

Khi bị thiếu máu do thiếu sắt, cần phải dựa vào các xét nghiệm, kiểm tra mức độ nghiêm trọng của bệnh để bác sĩ đưa ra liều dùng phù hợp nhất với từng bệnh nhân.

4.3. Cách dùng

Để đảm bảo hiệu quả tác dụng khi uống bổ sung sắt, bạn cần lưu ý một số điểm sau đây:

  • Tuân theo chỉ định của bác sỹ hoặc dược sĩ lâm sàng về liều lượng và thời gian uống thuốc.

  • Nếu loại sắt bạn đang dùng là dạng viên nén hoặc viên nang, bạn cần uống nguyên viên, không nghiền nát, không nhai.

  • Uống sắt khi bụng đói ( trước khi ăn 1 tiếng hoặc sau ăn 2 tiếng) giúp sắt dễ hấp thu hơn.

  • Không uống sắt cùng trà, cà phê, nước ngọt có gas hoặc rượu vì các thức uống này sẽ gây giảm hấp thu sắt.

  • Để giúp sắt hấp thụ tốt nhất, nên kết hợp bổ sung sắt với thực phẩm giàu vitamin C như nước cam, ổi, bưởi, dâu,…

Uống sắt cùng cùng các thực phẩm giàu vitamin C, sẽ giúp cơ thể hấp thu sắt tốt hơn

4.4. Thận trọng

Mặc dù sắt có vai trò quan trọng đối và rất cần thiết với sức khỏe con người, tuy nhiên có một số đối tượng cần thận trọng khi sử dụng sắt hoặc các sản phẩm có thành phần sắt.

  • Người dị ứng với sắt hoặc tá dược có mặt trong dạng bào chế của thuốc sắt.

  • Người có tiền sử dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, thức ăn, chất bảo quản hoặc lông động vật.

  • Trẻ em dưới 6 tuổi khi muốn bổ sung cần phải có sự cho phép của bác sĩ.

  • Người đang bị bệnh đường tiêu hóa (viêm đại tràng, viêm loét dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa).

  • Bệnh nhân thiếu máu tán huyết, thiếu máu ác tính hoặc các bệnh thiếu máu không phải do thiếu sắt.

4.5. Tác dụng không mong muốn

Bổ sung sắt đầy đủ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên một số loại sắt không được cơ thể hấp thu hoàn toàn, lượng sắt dư thừa trong cơ thể có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như sau:

  • Táo bón: đây là tác dụng hay gặp nhất khi sử dụng sắt nhất là phụ nữ có thai.

  • Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đầy bụng, cảm giác khó chịu.

  • Đi ngoài phân đen

  • Nóng trong, nổi mụn

Các tác dụng phụ do uống sắt có thể khắc phục được, nên khi gặp phải bất cứ vấn đề gì trong quá trình bổ sung sắt bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ để có hướng giải quyết hợp lý nhất.

4.6. Tương tác thuốc

Tương tác giữa sắt và một số loại thuốc có thể làm thay đổi khả năng hấp thu, tác dụng của thuốc hoặc gia tăng tác dụng không mong muốn. Vì vậy, tốt nhất hãy liệt kê các loại thuốc mà bạn đang sử dụng, kể cả thực phẩm chức năng để hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung sắt.

Một số loại thuốc tương tác với sắt có thể kể đến như: các thuốc kháng sinh (doxycycline, quinolone…), hormone tuyến giáp (levothyroxine), canxi…

5. Một số câu hỏi thường gặp về sắt

Dưới đây là một số thắc mắc mà nhiều người quan tâm khi có nhu cầu bổ sung sắt:

5.1. Uống sắt vào thời điểm nào?

Thời điểm uống sắt cũng có thể quyết định khả năng hấp thu sắt vào cơ thể

Buổi sáng là thời điểm tốt nhất trong ngày để uống sắt, bạn nên uống sắt vào lúc sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc trước bữa ăn sáng 30 phút. Vì sau một đêm dài, nồng độ canxi và sắt trong cơ thể đang ở mức thấp nhất, bổ sung sắt lúc này không chỉ dễ hấp thu mà còn cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động.

5.2. Uống nhiều sắt có tốt không?

Bổ sung quá nhiều sắt sẽ khiến cơ thể bị dư thừa sắt, lượng sắt dư thừa này không được hấp thu sẽ lắng đọng ở các cơ quan, gây ra nhiều tác dụng không mong muốn.

Khi sử dụng thuốc sắt liều cao, trong thời gian dài, có thể gây ra một số chứng bệnh như xơ cứng động mạch, tiểu đường và cao huyết áp…

5.3. Tại sao không nên uống sắt và canxi cùng lúc

Sắt và canxi là 2 chất có cùng cơ chế hấp thu ở ruột non, nên khi uống cùng lúc sẽ xảy ra hiện tượng cạnh tranh hấp thu, gây giảm hấp thu cả 2 chất. Vì vậy sắt và canxi nên uống cách nhau ít nhất 2 tiếng.

Tóm lại, sắt là một chất vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ có thai. Nếu bữa ăn không thể cung cấp đủ nhu cầu sắt cho cơ thể, bạn có thể cân nhắc bổ sung sắt bằng viên uống để cơ thể luôn khỏe mạnh.

>>> XEM THÊM: BIFERON - Viên Sắt Bổ Máu

 

Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui

Website TMDT: www.bidipharshop.com

Shopee: https://shopee.vn/bidiphar

Email: bidipharshop@bidiphar.com

Hotline: 1800.888.677

 

Sản phẩm đã xem

Zalo