Giỏ hàng

[Có Thể Bạn Chưa Biết] Tác Dụng Bất Ngờ Của Axit Folic Đối Với Cơ Thể

1. Acid folic là gì?

Acid folic chính là vitamin B9, một loại vitamin nhóm B. Acid folic hay folate là dạng tan trong nước của vitamin B9. 

Acid folic đóng vai trò quan trọng trong quá trình tổng hợp ADN và các axit amin trong cơ thể. Đây cũng là thành phần thiết yếu để tổng hợp nucleoprotein và tạo hồng cầu bình thường.

Do đó axit folic là vi chất rất cần thiết cho cơ thể con người, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai và chuẩn bị có thai.

Acid folic tồn tại trong thực phẩm tự nhiên như rau xanh, các loại đậu, măng tây, gan…dưới dạng muối folate 

Axit folic (vitamin B9) là một chất mang lại rất nhiều lợi ich cho sức khỏe con người

2. Tác dụng của axit folic đối với cơ thể

Acid folic là vi chất khá quen thuộc và được nhiều người biết đến, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ những lợi ích của axit folic mang lại cho cơ thể.

Dưới đây là các công dụng của axit folic với sức khỏe con người:

2.1. Acid folic giúp ngăn ngừa nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi

Acid folic đặc biệt cần thiết cho phụ nữ có thai hoặc chuẩn bị có kế hoạch mang thai. Trong khoảng thời gian trước và ngay sau khi thụ thai, bà bầu cần bổ sung đủ axit folic, để bào thai được phát triển khỏe mạnh, tránh được các dị tật bẩm sinh nguy hiểm cho thai nhi.

Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, axit folic tham gia vào quá trình phân chia nhiễm sắc thể của bào thai. Bổ sung đầy đủ axit folic sẽ giúp các tế bào đầu tiên của thai nhi đủ điều kiện phát triển bình thường.

Đặc biệt, axit folic là thành phần quyết định sự đóng mở ống thần kinh của thai nhi trong giai đoạn 3 tháng đầu. Nếu ống thần kinh đóng lại không hoàn toàn hoặc đóng lại không đúng thời điểm sẽ gây ra các dị tật ống thần nguy hiểm cho thai nhi.

Khuyết tật ống thần kinh sẽ gây ra các bệnh nguy hiểm như hở xương sống, hở hộp sọ, thậm chí có thể vô não…

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần bổ sung đúng và đủ axit folic trong suốt thai kỳ để giúp giảm 70% nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi.

2.2. Tác dụng của acid folic: Phòng ngừa và điều trị thiếu máu do thiếu sắt

Đây là lý do các chế phẩm điều trị thiếu máu do thiếu sắt thường kết hợp thêm thành phần axit folic.

Acid folic là yếu tố không thể thiếu trong quá trình tổng hợp nucleoprotein và sản xuất tế bào hồng cầu bình thường. Thiếu axit folic sẽ gây ra bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ giống như thiếu máu do thiếu vitamin B12. 

2.3. Acid folic giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm

Axit folic có tác dụng cải thiện tâm trạng, nên có thể hỗ trợ điều trị bệnh trầm cảm

Acid folic có tác dụng trong điều trị bệnh trầm cảm, vì axit folic sẽ giúp kích thích cơ thể sản xuất ra các chất dẫn truyền thần kinh: serotonin, dopamine và norepinephrine. Các chất này có tác dụng giúp cải thiện tâm trạng, giảm căng thẳng, stress. 

Người đang bị trầm cảm có thể uống từ 1 – 2 mg axit folic/ngày, giúp hỗ trợ điều trị trầm cảm

2.4. Acid folic giúp tăng cường sức khỏe tim mạch

Acid folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine trong máu, nồng độ homocysteine cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, axit folic làm giảm lượng homocysteine sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Hơn nữa, bổ sung axit folic có thể giúp giảm huyết áp - một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim. Ngoài ra, tác dụng của axit folic còn giúp tăng lưu lượng máu, từ đó cải thiện chức năng tim mạch.

2.5. Tác dụng ngăn ngừa tình trạng sa sút trí tuệ

Vì axit folic có tác dụng làm giảm hàm lượng homocysteine nên việc bổ sung axit folic có thể cải thiện chức năng não bộ ở những người bị suy giảm trí tuệ và giúp hỗ trợ điều trị bệnh Alzheime

2.6. Các công dụng khác với sức khỏe của axit folic

Ngoài các tác dụng trên, axit folic còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như: 

  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Axit folic có thể giúp hỗ trợ duy trì lượng đường trong máu ở mức ổn định, tăng nhạy cảm với  insulin và tăng cường chức năng của hệ tim mạch ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

  • Tăng khả năng sinh sản: Bổ sung đủ liều vitamin B9, giúp tăng tỷ lệ thụ thai và giảm nguy cơ sảy thai sớm, sinh non ở phụ nữ hiếm muộn, khó mang thai hoặc sảy thai nhiều lần.

  • Giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư: Axit folic có khả năng giúp cơ thể phòng tránh một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư ruột kết hoặc ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, chúng còn giúp phòng ngừa bệnh tim, biến chứng đột quỵ và giảm lượng chất độc  trong máu. .

3. Thiếu Acid folic nguy hiểm như thế nào?

Vì axit folic đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh lý của cơ thể, tạo ra nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Vì vậy thiếu hụt axit folic có thể gây ra các bệnh sau:

  • Dị tật ống thần kinh: là dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở não và tủy sống của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi sẽ thiếu một phần não bộ, hở cột sống, nứt đốt sống, có khi thai vô sọ, dẫn đến tình trạng thai nhi sẽ chết trước hay ngay sau khi sinh.

Thiếu acid folic là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng thiếu máu

  • Vitamin B9 là nguyên liệu cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu. Vì vậy thiếu axit folic sẽ gây ra thiếu máu nguyên bào khổng lồ, các hồng cầu phát triển không đúng cách và lớn hơn bình thường. Do đó hồng cầu dễ bị vỡ và gây nên tình trạng thiếu máu.

  • Giảm lượng bạch cầu và tiểu cầu trong máu.

  • Dị tật ống thần kinh: là dị tật bẩm sinh nghiêm trọng ở não và tủy sống của thai nhi trong bụng mẹ. Thai nhi sẽ thiếu một phần não bộ, hở cột sống, nứt đốt sống, có khi thai vô sọ, dẫn đến tình trạng thai nhi sẽ chết trước hay ngay sau khi sinh.

  • Tiêu chảy do thiếu axit folic là bệnh hay gặp ở vùng nhiệt đới : Thiếu axit folic dẫn đến rối loạn hấp thu mỡ, tiêu chảy phân mỡ…

Do vậy, để giảm các biến chứng có thể xảy ra do thiếu axit folic, chúng ta cần có kế hoạch bổ sung đầy đủ axit folic hàng ngày, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai. 

4. Acid folic có nhiều trong thực phẩm nào?

Acid folic có mặt trong nhiều loại thực phẩm đa dạng như rau xanh, các loại ngũ cốc, gan, thịt gà, các loại trái cây… trong đó có một số loại thực phẩm có hàm lượng axit folic cao nhất:

  • Lạc hay còn gọi là đậu phộng chứa 264 mcg axit folic/ 100g

  • Hạt hướng dương có 238 mcg axit folic/ 100g

  • Đậu gà có 178 mcg axit folic/ 100g

  • Măng tây chứa 149 mcg axit folic/ 100g

  • Rau xà lách có 136 mcg axit folic/ 100g

  • Súp lơ có 108 mcg axit folic/ 100g

  • Gan gà có  576 mcg axit folic/ 100g

Top các nguồn thực phẩm có hàm lượng axit folic nhiều nhất

Trong thực phẩm axit folic tồn tại dưới dạng muối folate để cơ thể dễ hấp thu, tuy nhiên trong quá trình bảo quản và chế biến lượng folate trong thực phẩm thường bị mất đi từ 50- 90%.

Vì vậy để đảm bảo bổ sung axit folic đầy đủ, bạn có thể cân nhắc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm chức năng có thành phần là axit folic để bổ sung.

5. Sử dụng các chế phẩm cung cấp axit folic như thế nào?

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm, thuốc, thực phẩm chức năng giúp bổ sung axit folic

5.1. Dạng bào chế và hàm lượng

Các chế phẩm bổ sung axit folic thường được bào chế dưới dạng viên nang, dung dịch uống, viên nén, với các hàm lượng khác nhau 0,4 mg; 0,8 mg; 1 mg; 5 mg.

Chế phẩm có thể là dạng phối hợp nhiều vitamin khác nhau với hàm lượng khác nhau hoặc chế phẩm phối hợp với sắt. Chế phẩm để tiêm bắp, tĩnh mạch hoặc dưới da, là dưới dạng muối của folate 5 mg/ml.

5.2. Liều dùng của axit folic

Nhu cầu bổ sung axit folic hàng ngày cho người lớn:

  • Người bị thiếu máu hồng cầu to: 1 mg/ngày

  • Dự phòng thiếu axit folic: 400 - 800 mcg/ngày

  • Phụ nữ có ý định mang thai, đang có thai hoặc đang cho con bú: 800 mcg/ngày

Nhu cầu bổ sung axit folic cho trẻ em

  • Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: 0.15 mg/ngày

  • Trẻ từ 4 đến 8 tuổi: 0.2 mg/ngày

  • Trẻ từ 9 đến 13 tuổi: 0.3 mg/ngày

  • Trẻ trên 14 tuổi: 0.4 mg/ngày

Nhu cầu bổ sung acid folic ở mỗi người thường không giống nhau nên cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng

5.3. Thận trọng

Mặc dù axit folic được đánh giá là một chất an toàn, có khả năng dung nạp tốt, tuy nhiên bạn cần thận trọng khi bổ sung axit folic, nếu bạn gặp một số vấn đề sau:

  • Có tiền sử dị ứng với axit folic hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

  • Bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo

  • Người bị thiếu máu tán huyết hoặc thiếu máu ác tính

  • Đang bị thiếu máu nhưng chưa có sự chẩn đoán của bác sĩ

  • Người đang bị nhiễm trùng

  • Người nghiện rượu

5.4. Tương tác thuốc khi sử dụng axit folic

Một số tương tác thuốc có thể xảy ra, khi bổ sung axit folic cùng lúc với các thuốc sau:

  • Sulphasalazine:  sử dụng 2 thuốc này cùng lúc sẽ khiến axit folic bị giảm hấp thu 

  • Thuốc tránh thai đường uống: Các thuốc tránh thai uống làm giảm chuyển hóa của axit folic trong cơ thể và gây giảm vitamin B9 và vitamin B12.

  • Các thuốc chống co giật: Acid folic khiến nồng độ thuốc chống co giật trong huyết thanh bị giảm, từ đó làm giảm tác dụng thuốc chống co giật.

  • Cotrimoxazol: thuốc này sẽ làm giảm tác dụng điều trị  bệnh thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ của axit folic.

Vì vậy trước khi quyết định bổ sung axit folic bằng đường uống, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, đồng thời chia sẻ tình trạng sức khỏe của bản thân (kể cả các loại thuốc đang uống), để tìm ra cách bổ sung hiệu quả nhất.

6. Một số câu hỏi thường gặp về axit folic

Dưới đây là một số câu hỏi được nhiều người quan tâm khi cần bổ sung axit folic bằng đường uống:

6.1. Uống Acid folic vào thời điểm nào trong ngày?

Do axit folic thuộc nhóm vitamin tan trong nước, nên cơ thể sẽ hấp thu tốt nhất khi dạ dày còn rỗng. 

Vì vậy thời điểm tốt nhất để uống axit folic là vào buổi sáng, trước khi ăn sáng khoảng 30 phút hoặc sau khi ăn hai giờ. 

6.2. Uống nhiều axit folic có tốt không?

Dù bổ sung axit folic rất cần thiết, tuy nhiên nếu sử dụng quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn. 

Vì vậy, chỉ nên bổ sung đúng và đủ liều axit folic mà bác sĩ đã khuyến cáo, để không ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

7. Lời khuyên khi bổ sung Acid folic cho cơ thể

Khi uống bổ sung axit folic cho cơ thể, bạn nên lưu ý một số điều sau để đạt hiệu quả tốt nhất và không gây ra tác dụng phụ.

  • Cà phê, nước trà, rượu có thể ức chế khả năng hấp thu axit folic của cơ thể.

  • Trong thời gian uống thuốc bạn nên uống đủ nước và ăn nhiều thực phẩm có chất xơ để tránh táo bón. Đặc biệt là khi uống axit folic kết hợp với sắt.

Bổ sung thêm các nguồn thực phẩm có nhiều chất xơ, giúp giảm tình trạng táo bón trong thời gian sử dụng thuốc

  • Không nên tự ý mua và sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

  • Nếu xuất hiện các tác dụng phụ như: khó thở, chóng mặt, ngứa, sưng cổ họng… thì bạn nên ngừng sử dụng thuốc và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để theo dõi.

  • Luôn chọn các loại sản phẩm bổ sung có nguồn gốc rõ ràng, đáng tin cậy như các loại thuốc có chứng nhận lâm sàng để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Trên đây là tất cả các thông tin cần thiết mà bạn cần biết, trước khi quyết định bổ sung axit folic. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu được cách bổ sung axit folic an toàn và hiệu quả. 

>>> Xem thêm: BIFERON - Viên Sắt Bổ Máu

 

Bidiphar: Chăm sóc sức khoẻ - Chia sẻ niềm vui

Website TMDT: www.bidipharshop.com

Shopee: https://shopee.vn/bidiphar

Email: bidipharshop@bidiphar.com

Hotline: 1800.888.677

 

Sản phẩm đã xem

Zalo